Kỳ cuối: đề xuất luật hóa việc cấm thuốc lá điện tử
Trước tác hại của thuốc lá điện tử, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội cần sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 để luật hóa việc cấm thuốc lá điện tử. Mới đây, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng đang lấy ý kiến chuyên gia, đề xuất xây dựng chính sách cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới, trong đó có thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử - “sát thủ công nghệ”:
Kết thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012
Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ 5 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) tăng 18 lần sau 5 năm. Năm 2015, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2% đến nay đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%.
Cũng giống như giới trẻ các nước, giới trẻ Việt Nam bị sự lôi cuốn của TLĐT ở các khía cạnh như hình thức sang trọng, hương thơm dễ chịu, các hoạt động quảng cáo, khuyến mại. Đặc biệt, ở Việt Nam, tỷ lệ người hút thuốc lá, trong đó có trẻ em là rất cao. Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam ước tính có khoảng 15,4 triệu người hút thuốc lá.
Tác hại của TLĐT đã thấy rất rõ. Trước sự nguy hại của TLĐT, trong bài viết của mình, bà Phan Thị Quỳnh Như, Phó trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam cho rằng, các kết quả đáng tự hào của Việt Nam trong việc thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 sẽ bị xói mòn bởi TLĐT. Bởi lẽ, số lượng người tham gia hút thuốc sẽ tăng nhanh bởi sự gia nhập của học sinh phổ thông hiếu kỳ, thích khám phá trải nghiệm cộng với hội chứng tâm lý “số đông”.
Bà Như cũng cho rằng, cần phải luật hóa việc cấm thuốc lá điện tử đối với trẻ em. Bởi lẽ theo bà, hiện Việt Nam đang thiếu các quy định pháp luật về kiểm soát TLĐT. Và bởi chưa luật hóa việc cấm TLĐT đối với trẻ em nên hoạt động giáo dục, phổ biến pháp luật chỉ dừng ở khía cạnh phòng chống tác hại của thuốc lá thông thường.
Chính vì vậy, các trường phổ thông, các cơ sở đào tạo chưa có được những kiến thức pháp luật cần thiết để ứng xử phù hợp với tình trạng sử dụng TLĐT của học sinh, sinh viên đang theo học ở đó. Các tổ chức xã hội chính trị có ảnh hưởng lớn trong xã hội như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Luật gia… chưa thể tiến hành các hoạt động giáo dục, phổ biến pháp luật liên quan đến đến TLĐT nói chung và TLĐT trong học đường, trong giới trẻ.
Vì vậy, cần sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 để luật hóa việc cấm TLĐT đối với trẻ em và hạn chế việc sử dụng TLĐT thông qua những can thiệp chức năng mạnh mẽ, hiệu quả.
Bộ Y tế đề xuất xây dựng chính sách cấm thuốc lá điện tử
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tháng 5/2023, thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề xuất chấm dứt ngay việc mua bán, lưu thông, sử dụng TLĐT tại Việt Nam.
Theo đó, đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 để kiểm soát và hạn chế việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới. “Hiện nay, học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang là một vấn đề đáng báo động. thuốc lá điện tử được mua bán một cách dễ dàng. Đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp, thậm chí suýt tử vong sau khi hút thuốc lá điện tử. Đây là thực trạng mà các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và cử tri hết sức quan tâm và lo lắng” - ĐBQH Thái Thị An Chung lý giải.
Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012: nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; nghiêm cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; nghiêm cấm việc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá. Tuy nhiên, theo đại biểu Thái Thị An Chung, các cơ quan chức năng lại không thể xử lý hành vi này đối với thuốc lá điện tử, bởi khoản 1 Điều 2 của Luật quy định: thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc 1 phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào và các dạng khác… “Chính vì vậy, Quốc hội cần nghiên cứu và có hình thức phù hợp để sớm bổ sung thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá” - đại biểu Thái Thị An Chung kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Thái Thị An Chung, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, cũng đề nghị cần chú trọng đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt việc lưu hành TLĐT tại Việt Nam.
Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị Quốc hội cho sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, hoặc có 1 văn bản quy phạm pháp luật khác để chấm dứt ngay việc mua bán, lưu thông, sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
Mới đây, Bộ Y tế cũng đã có đề xuất xây dựng chính sách cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới, trong đó có TLĐT.
Theo đó, bà Đinh Thị Thu Thủy, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay, vừa qua Bộ Y tế đã nhận được bản khuyến nghị của WHO về việc Quốc hội ban hành nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo các sản phẩm này tại Việt Nam.
"Quan điểm của Bộ Y tế từ trước đến nay vẫn là cấm hoàn toàn các loại thuốc lá mới (TLĐT, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới khác). Vì vậy bộ đề xuất xây dựng văn bản với nội dung cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới. Hình thức văn bản là nghị quyết do Quốc hội ban hành.
Trong đó, phạm vi điều chỉnh bao gồm giải thích rõ khái niệm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới khác. Quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới và quy định trách nhiệm của các tổ chức có liên quan" - bà Thủy cho hay.
Bà Thủy thông tin, vụ đang xây dựng văn bản liên quan và sẽ có dự thảo trình Chính phủ để Chính phủ trình ra Quốc hội nhằm sớm có biện pháp quản lý. Dự kiến, nội dung sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2024.