Kỳ cuối: Đề xuất sử dụng tạm vỉa hè phải xin cấp phép
Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là câu chuyện muôn thuở của TPHCM. Tình trạng mua bán, đậu xe, để máy móc, vật liệu xây dựng, bãi rác tự phát... trên vỉa hè, gây nguy hiểm cho người đi bộ, làm mất mỹ quan đô thị đang có chiều hướng phức tạp hơn sau mùa dịch Covid-19. Đây là vấn đề đau đầu đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Chiếm vỉa hè làm... "của riêng"!
Bất kể sáng tối, có vào giờ cao điểm hay không, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để mua bán, làm bãi xe máy xảy ra ở nhiều nơi. Trong khi đó, khao khát duy nhất của những người đi bộ là có vỉa hè đủ để đi lại, không cần vỉa hè to rộng.
Anh Thái Nhật Quang (ngụ P7, Q.Bình Thạnh) bức xúc: "Chỉ khi dậy sớm tập thể dục, tôi còn đi được trên vỉa hè khu vực nhà mình. Chứ từ khoảng 8 giờ sáng tới chiều tối là họ lấn chiếm bít hết lối đi. Người ta buôn bán, để xe... đầy vỉa hè. Mình có đứng trên vỉa hè đợi taxi thì cũng bị người ta bảo đi chỗ khác vì chắn đường họ buôn bán".
Từ chủ nhà mặt tiền đứng ra chiếm dụng phần vỉa hè trước nhà đến những người bán dạo trên phố, từ xe đẩy thức ăn đến bàn, ghế quán ăn, quán nước, quán nhậu thay nhau "xẻ thịt" vỉa hè. Biển quảng cáo, biển hiệu cũng vô tư để nhan nhản ngay lối của người đi bộ, tạo nên quang cảnh ồn ào, nhếch nhác.
Thậm chí nhiều xe hơi cũng đỗ trên vỉa hè, ngay những đường có biển cấm dừng, đỗ hàng tiếng đồng hồ, nhưng vẫn không thấy lực lượng chức năng đến xử phạt, "giành" lại vỉa hè cho người đi bộ.
Tình trạng trên diễn ra ngày càng trầm trọng, đẩy người đi bộ vào tình huống nguy hiểm: muốn đi thì không có vỉa hè, đành phải đi xuống lòng đường. Ngặt nỗi có chỗ nhiều xe hơi lại đỗ sát vỉa hè rất lâu mà không chạy đi, dẫn đến cảnh người dân phải vòng qua xe này, băng ra gần giữa chiều lưu thông mới qua được "vật cản".
Ở nhiều tuyến đường tại Q1, như: Đinh Tiên Hoàng, Lý Tự Trọng..., vỉa hè bị lấn chiếm triền miên. Nhất là đường Tôn Thất Thiệp, mặt đường nhỏ lại bị không ít người thiếu ý thức, đỗ xe không đúng nơi quy định, lấn chiếm cả vỉa hè đến lòng đường. Người đi bộ phải chật vật mới thoát qua được.
Nhiều người dân cho biết, họ có cảm tưởng như đang "chơi game cảm giác mạnh" khi đi trên nhiều đoạn của các tuyến đường không còn vỉa hè, mà lòng đường thì dày đặc phương tiện giao thông di chuyển, như: Cách Mạng Tháng Tám (Q3), Trường Sa, Hoàng Sa (Q3 và Q.Bình Thạnh), Điện Biên Phủ (đoạn qua vòng xoay Hàng Xanh), Nguyễn Gia Trí (tức đường D2 cũ, Q.Bình Thạnh), Ngô Gia Tự (Q10), Cộng Hòa, Trường Chinh (Q.Tân Bình)...
Chị Lương Lệ Hoa (ngụ P15, Q.Bình Thạnh) nói: "Mỗi lần tôi đi mua đồ ăn gần nhà là mỗi lần lo sợ. Vỉa hè bị mấy quán bán đồ ăn và quán nhậu bày bàn, ghế với để xe hết rồi. Nhiều hôm, họ còn để xe máy tràn ra lòng đường. Có lần, tôi thấy một chị mang thai đang đi trên vỉa hè đoạn vòng xoay Hàng Xanh, tới chỗ quán nhậu thì bị bãi xe máy chiếm hết vỉa hè, nên chị phải đi xuống lòng đường. Hết đoạn đó thì lại lên vỉa hè, xong lại xuống đường... Bầu bì đã mệt, gặp cảnh này còn khổ hơn nữa".
Ý thức "ngủ quên"?
Từ chuyện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Dù đã có nhiều văn bản pháp luật, đề án được ban hành, triển khai để đảm bảo an toàn giao thông, văn minh đô thị, vỉa hè được kẻ vạch vàng bảo đảm phần đường cho người đi bộ..., nhưng rồi đâu vẫn vào đấy. Xe máy, ôtô vẫn lao lên vỉa hè, bãi xe từ vỉa hè tràn xuống lòng đường, làm gia tăng tình trạng kẹt xe, ùn ứ.
Khi lực lượng chức năng truy quét thì họ chạy, bắt được và lập biên bản xử lý thì họ nộp phạt, rồi sau đó tiếp tục tái phạm. Ý thức đã "ngủ quên" trong một bộ phận người dân chỉ chăm chăm đến lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm trong quản lý đường phố.
Hệ lụy từ việc chiếm dụng vỉa hè hiển hiện trước mắt chúng ta hằng ngày. Cứ mưa lớn là ngập, không chỉ lòng đường mà cả vỉa hè. Những người kinh doanh, buôn bán ở vỉa hè cũng bị ảnh hưởng, vì ngập thì không thể buôn bán.
Nhưng cũng chính tay một bộ phận lấn chiếm vỉa hè vô tư xả rác vào miệng cống thoát nước; không ít người mua hàng, khách ăn uống, người dân đi đường thiếu ý thức cũng tiếp tay gây tắc cống: túi rác, chai lọ, ly nhựa, hộp đựng thức ăn... họ vất đều tụ lại ngay miệng cống. Nhưng cống thoát nước làm sao có thể "tiêu hóa" được đống rác khủng khiếp đó?
Một bạn trẻ đang uống nước trên đường Nguyễn Gia Trí chia sẻ: "Ở đây, nhiều anh, chị thiếu ý thức lắm! Người bán nước cho tụi em cũng bỏ vào bịch rác đàng hoàng, đến chừng bịch đầy thì vứt ra miệng cống. Thậm chí rác trong bịch tràn ra ngoài mà họ không thèm buộc lại. Nhiều bạn cỡ tuổi em mua đồ ăn của mấy người đẩy xe, vừa đi vừa ăn, ăn xong là tiện tay vứt xuống cống vì ngay đó không có thùng rác".
TPHCM đã có nhiều đợt ra quân rầm rộ "đòi" lại vỉa hè cho người đi bộ, lập lại trật tự đô thị, nhưng chỉ được vài tháng. Nhất là sau mùa dịch Covid-19, vỉa hè lại bị xâm chiếm nghiêm trọng. Rõ ràng thành phố cần thực hiện việc chế tài nghiêm hơn, có biện pháp quản lý, xử lý một cách hiệu quả, cương quyết.
Chúng ta không thể trông chờ vào ý thức tự giác chấp hành pháp luật của từng hộ gia đình, từng người dân trong mọi hoạt động buôn bán, dịch vụ, ăn uống, tham gia giao thông. Thiết lập lại trật tự đô thị, đảm bảo vỉa hè an toàn, sạch đẹp, nhưng vẫn phục vụ nhu cầu mua bán của người dân là điều hết sức cần kíp.
Đề xuất cách quản lý vỉa hè mới
"Kinh tế vỉa hè” là thuật ngữ được nhắc đến lâu nay trong những vấn đề liên quan đến lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè. "Kinh tế vỉa hè” được coi như công cụ giải quyết kinh tế hộ gia đình, mang lại nguồn thu nhập cho hàng rong, nhà mặt tiền. Thế nhưng chúng ta không thể để "kinh tế vỉa hè” đi từ lợi ích đến lợi dụng.
Trong hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo quyết định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức ngày 18-6-2020, ông Ngô Hải Đường (Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng đường bộ, Sở Giao thông - Vận tải TP) cho biết: Dự thảo mới gồm một số nội dung chính trong việc tăng cường bảo đảm an toàn cho người đi bộ trên vỉa hè, đặc biệt là những khu vực có công trình đang thi công, giao lộ đông người...
Dự thảo còn nêu giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý, điều hành sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố; đồng thời qua nhiều hình thức quản lý như xã hội hóa đầu tư, khai thác, cho thuê, thu phí sử dụng...
Tuy nhiên, ông Đường cũng nói rõ, muốn sử dụng tạm một phần vỉa hè thì mọi hoạt động phải bảo đảm chiều rộng chừa lại tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Còn đối với những tuyến sử dụng tạm một phần lòng đường, cũng phải chừa lại tối thiểu đủ bố trí 2 làn ôtô cho một chiều lưu thông...
Đặc biệt, tất cả hoạt động sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè đều phải đóng phí cũng được quy định cụ thể, gồm cả việc tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, điểm giữ xe, trung chuyển vật liệu, phế thải, kinh doanh, mua bán hàng hóa... và đều phải xin cấp giấy phép.
Chỉ khoảng 30 tuyến đường kiểu mẫu chuyển biến tích cực
Năm 2012, Sở Giao thông Vận tải TPHCM và các quận, huyện bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu, đồng bộ hạ tầng và hoàn thiện chỉnh trang đô thị. Sở cũng cam kết về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trên 159 tuyến đường đã đăng ký.
Tiêu chí đặt ra để đánh giá tuyến đường kiểu mẫu về văn minh đô thị tại TPHCM là: Không có bán hàng rong, ăn xin; không treo, vẽ, dán quảng cáo trái phép; không được lấn chiếm vỉa hè để sử dụng ngoài mục đích dành cho người đi bộ; việc lắp đặt thùng rác, nhà vệ sinh công cộng phải đảm bảo mỹ quan, thuận lợi cho người dân sử dụng...
Sau 8 năm thực hiện, hầu hết các tuyến đường đã đăng ký vẫn nhếch nhác, nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn tràn lan. Chỉ khoảng 30 tuyến đường là có chuyển biến tích cực.