Kỳ cuối: Dịch vụ giúp phụ nữ Nhật thoát khỏi người chồng bạo hành

Sau chuỗi ngày dài phải hứng chịu tình trạng bạo hành trong gia đình, những phụ nữ ấy quyết định rời đi lặng lẽ, chẳng hề vướng bận hoặc vương vấn điều gì. Nguyên nhân vốn nhiều, có thể là khách quan như: tai nạn, trốn nợ, lẩn tránh trách nhiệm trong cuộc sống; nhưng cũng có người muốn thoát khỏi bạo lực gia đình, bắt đầu cuộc sống mới đã tìm cách 'bốc hơi' một cách chủ động.

Dịch vụ "di chuyển trong đêm"

Khi quyền riêng tư luôn được đánh giá cao ở xứ sở mặt trời mọc, nhà chức trách sẽ không can thiệp vào những trường hợp "lẩn tránh cuộc sống" có chủ đích này, với tên gọi "jouhatsu-sha" hay "người bốc hơi", trừ khi họ phạm tội. Theo thống kê, trong 2 năm 2021 - 2022 có hơn trăm ngàn người được báo cáo "bốc hơi" ở Nhật Bản, nhiều người trong số này tìm đến nương náu tại khu "ổ chuột" Kamagasaki ở Osaka, nơi hầu hết là những người lao động nghèo hoặc vô gia cư sinh sống.

Để giúp các phụ nữ thoát khỏi tình trạng bạo hành gia đình, nhưng vì nhiều lý do, họ buộc phải chấp nhận số phận cam chịu, hơn 20 năm trước, một số địa phương ở Nhật đã thành lập dịch vụ kinh doanh "yonigeya" (có nghĩa là "di chuyển trong đêm"). Đặc biệt tại thị trấn Chiba, gần Tokyo, cũng có văn phòng "thường thường bậc trung" của Iwabuchi để giúp chị em thoát khỏi vấn nạn này, nhất là những phụ nữ bị lạm dụng và đang bị giám sát chặt chẽ, bí mật đưa họ đến nơi an toàn với mức phí "có thể chi trả được".

Những thành viên của dịch vụ "di chuyển trong đêm" phải có tinh thần thép, chịu được áp lực cùng nguy cơ rủi ro nghề nghiệp và sẵn sàng đương đầu với những rắc rối phát sinh từ phía gia đình nạn nhân lẫn quan niệm xã hội vốn rất khắt khe về vấn đề này. Hầu hết đều phải mang bên mình chiếc cặp tự vệ cùng một số công cụ để tự bảo vệ khi giúp chị em "làm lại cuộc đời"...

Công việc "có một không hai"

Dù hầu hết khách hàng của dịch vụ "di chuyển trong đêm" là nữ, nhưng cũng có 10% là nam giới lâm vào tình trạng bị người đầu ấp tay gối bạo hành, tăng gấp 3 lần so với trước đại dịch Covid-19, đa số là nạn nhân của giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008-2009 tại Nhật.

Ở Nhật Bản, có những phụ nữ sẽ đột ngột biến mất khỏi người chồng bạo hành thông qua dịch vụ giúp "di chuyển trong đêm"

Ở Nhật Bản, có những phụ nữ sẽ đột ngột biến mất khỏi người chồng bạo hành thông qua dịch vụ giúp "di chuyển trong đêm"

Theo nhiều người, ban đầu yonigeya được lập ra chỉ để hỗ trợ khách hàng chạy trốn chủ nợ, càng về sau thấy chị em bị bạo hành gia đình ngày càng tăng, mục tiêu của dịch vụ "di chuyển trong đêm" cũng thay đổi. Phương thức hoạt động được thiết kế cẩn trọng đến từng chi tiết, đôi khi nhân viên phải ngụy trang dưới nhiều hình thức, đóng giả người lau cửa sổ hoặc bán hàng để không bị nghi ngờ, nhằm giúp tỉ lệ hỗ trợ khách hàng "tẩu thoát" thành công trọn vẹn. Nhưng xót xa là người tham gia giải cứu nạn nhân cũng có lúc phải chọn kế "tẩu vi thượng sách"!

Năm 2003, giá của dịch vụ yonigeya từ khoảng 2.000 USD (47 triệu VNĐ) đến 20.000 USD (470 triệu VNĐ), nhưng mức phí chi trả cho dịch vụ này hiện đã giảm đến hơn 2/3, tùy vào độ phức tạp của "nhiệm vụ”. Do cảnh sát địa phương đã được thông báo về quyết định ra đi của khách hàng cùng lá thư để lại nêu rõ lý do vì sao phải chọn biện pháp này, nên người của dịch vụ cũng vơi bớt nỗi lo.

Cũng có khi khách hàng tìm đến để nhờ giúp giải thoát người thân của mình khỏi hành vi bạo lực gia đình mà họ từng chứng kiến.

Ở những thế kỷ trước, khi mối quan hệ họ hàng, xóm giềng còn gắn kết, tất cả đều "tương thân, tương ái", sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần; còn bây giờ thời đại công nghệ chi phối hầu hết các mối quan hệ, khiến mọi người trở nên ít gắn kết hơn, không ít người phải tự đương đầu với những nỗi dằn vặt giày vò trong cuộc sống... Chính vì thế, trước khi tìm được lối thoát mới cho thân chủ, công việc của các yonigeya vẫn chưa thể dừng...

NGUYỄN XUÂN (theo Japantimes)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-cuoi-dich-vu-giup-phu-nu-nhat-thoat-khoi-nguoi-chong-bao-hanh_156617.html