Kỳ cuối: Đồng bộ các giải pháp phòng ngừa
Từ lâu, an toàn cho con người nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng là yếu tố vô cùng quan trọng của một quốc gia, là thước đo của nền văn minh xã hội. Ðể hạn chế và tiến tới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tạo không gian sống, học tập, vui chơi an toàn hơn lúc nào hết cần tăng cường vai trò giám sát, kiểm soát xã hội.
Nỗi đau không của riêng ai
Thời gian qua, ngày càng có nhiều nạn nhân bị bạo lực, xâm hại đã dũng cảm lên tiếng tố cáo các hành vi. Nhiều thủ phạm đã được các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm, thể hiện tính răn đe của pháp luật. Cần phải khẳng định, hiện nay, nhiều luật bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em đã được ban hành, đi vào cuộc sống như: Luật Trẻ em; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… cùng nhiều văn bản khác của Chính phủ nhằm tạo khung pháp lý vững chắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Công - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Tòa án nhân dân tối cao) cho biết: Hiện cơ quan lập pháp kiên quyết đấu tranh với loại tội phạm này. Minh chứng dễ thấy, tại Bộ Luật hình sự 2015 đã bổ sung nhiều tình tiết, chế tài với khung hình phạt nghiêm khắc hơn. Bộ luật cũng quy định nhiều và rõ hơn về những dấu hiệu tội phạm. Ví dụ, tội phạm hiếp dâm trẻ em đã thêm “hành vi quan hệ tình dục khác…”. Trước đây không có điều này.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Công, Bộ Luật hình sự 2015 vẫn còn nhiều quy định sau thời gian áp dụng có những cách hiểu không thống nhất. Ví dụ như, hiểu thể nào là dâm ô thì điều 146 không mô tả rõ những điều kiện cấu thành tội dâm ô. Hay như “hành vi quan hệ tình dục khác…” là những hành vi nào thì Bộ luật hình sự cũng chưa nêu rõ.
“Trước những vấn đề này, Tòa án nhân dân tối cao cũng rất cầu thị, đã tổ chức lấy ý kiến của người dân, các cơ quan, tổ chức và tham vấn ý kiến của các tổ chức quốc tế về bảo vệ trẻ em. Mục tiêu cao nhất không gì hơn là bảo vệ tốt nhất lợi ích của trẻ em trong các vụ án. Đặc biệt, trong Nghị quyết 06, chúng tôi đã có hướng dẫn cụ thể những điều cần chú ý để đảm bảo trong các vụ án xâm hại trẻ em, những đối tượng này sẽ chịu những ảnh hưởng nhỏ nhất” – đại diện Tòa án nhân dân tối cao chia sẻ về những nỗ lực trong công tác bảo vệ trẻ em.
Được biết, việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi bị xâm hại đã được quy định rõ ràng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và vấn đề là ở trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật cần xử lý nghiêm, đến nơi đến chốn theo đúng quy định. Thực tế, các ngành chức năng cũng đang tích cực trong vấn đề này. Quận Thanh Xuân (Hà Nội) là ví dụ.
Thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn quận đã đấu tranh mạnh mẽ với đối tượng vi phạm liên quan. Cụ thể, khoảng giữa tháng 3/2019, Công an quận Thanh Xuân đã quyết định xử lý hành chính đối tượng Đỗ Mạnh Hùng (Sinh năm 1982, quê ở Hải Phòng) về hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP khi đối tượng này có hành vi không chuẩn mực với một cô gái trong thang máy. Tương tự, cuối tháng 1/2019, Công an quận Thanh Xuân cũng nhanh chóng làm rõ vụ xâm hại tình dục. Nạn nhân là chị Hoàng Thị S. (Sinh năm 2000, ở Vĩnh Phúc). Chị S. đã bị 3 đối tượng dở trò đồi bại... Với vụ xâm hại này, Công an quận Thanh Xuân đã nhanh chóng làm rõ, bắt giữ các đối tượng liên quan xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thực tế, không chỉ ở quận Thanh Xuân, các vụ xâm hại với phụ nữ, trẻ em đã xảy ra trong thời gian qua tại nhiều nơi khiến dư luận bất bình. Nạn nhân trong những vụ việc này do bị khủng hoảng tinh thần đã rơi vào tâm lý e ngại, khó tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng liên quan. Điều này gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, lật mặt các đối tượng phạm pháp.
Theo nhiều chuyên gia, thiệt hại mà tội phạm xâm hại, hiếp dâm gây ra cho các nạn nhân không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài tới bản thân các nạn nhân và người thân của họ. Do vậy, họ cần được chia sẻ, tâm sự với người thân, bạn bè để được hỗ trợ về tâm lý, nhằm ổn định tinh thần. Bên cạnh đó, nạn nhân các vụ xâm hại cũng cần tìm đến các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ và các tổ chức tư vấn pháp lý để được hỗ trợ về thủ tục pháp lý, trợ giúp về tâm lý và các vấn đề khác...
Đẩy mạnh phòng ngừa
Theo tìm hiểu, nhằm bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng hàng nghìn nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, thành phố Hà Nội còn phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện hai dự án "Thành phố an toàn cho trẻ em gái" và "Hành trình an toàn cho phụ nữ tại đô thị".
Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc bình đẳng giới, như một cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
Điểm nổi bật trong thực thi bình đẳng giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới đã tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Khoảng cách giới trong cả 08 lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội quy định tại Luật Bình đẳng giới được rút ngắn đáng kể. Một số mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm, giáo dục, y tế đạt kết quả tốt. Nhiều chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt kế hoạch đề ra ngay từ khi mới bắt đầu thực hiện, đến nay đã có một số chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Những dự án này đã tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tương tự Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác cũng đang triển khai tích cực, xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”, “Trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực”…
Trở lại câu chuyện, bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - trẻ vị thành niên) đại đa số trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện từ các nguồn tin trong cộng đồng, khi nạn nhân đã rơi vào hoàn cảnh “không thể chịu đựng thêm”.
Thống kê của tổ chức này cũng chỉ ra, 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; 10% phụ nữ Việt Nam đã kết hôn đã bị chồng tấn công tình dục; Có 4% phụ nữ cho biết quấy rối tình dục diễn ra trong suốt quan hệ hôn nhân của họ. Đáng nói, phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân chính trong các vụ tấn công và quấy rối tình dục. Một số hình thức chưa được quy định trong khuôn khổ pháp luật.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực, xâm hại. Song điểm chung đều xuất phát từ những định kiến, quan niệm lạc hậu về giới vẫn tồn tại dai dẳng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nam giới thường nhìn nhận bản thân có vai trò quan trọng hơn phụ nữ, còn phụ nữ thường có tâm lý cam chịu, chấp nhận sự thiệt thòi. Ở một số nơi, chính quyền cơ sở chưa dành sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác này.
Rõ ràng, để bảo vệ nhóm đối tượng là phụ nữ và trẻ em, việc lên tiếng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, tố cáo các vụ xâm hại, bạo lực là hết sức cần thiết. Cùng với đó, các đơn vị chuyên môn cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình can thiệp hướng tới thay đổi các quan niệm, định kiến của xã hội phân biệt đối xử về giới và tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-dong-bo-cac-giai-phap-phong-ngua-101374.html