Kỳ cuối: Gắn quy tắc ứng xử với cải cách hành chính
Trong nỗ lực kiến tạo một cộng đồng văn minh, đáng sống, xứng tầm là trung tâm kinh tế - chính trị lớn nhất cả nước, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh triển khai có hiệu quả hai bộ quy tắc ứng xử.
Mô hình “một cửa” thân thiện, văn minh
Xác định văn hóa ứng xử là một trong những giá trị cốt lõi tạo nên văn hóa người Tràng An, nhiều năm qua, Hà Nội đã quyết liệt triển khai, lan tỏa Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào thực tiễn.
Là nơi giao thoa văn hóa Thăng Long - Kinh Bắc, huyện Gia Lâm được biết đến là địa bàn có nhiều trầm tích và truyền thống văn hóa. Trong quá trình triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử, các cấp chính quyền, đoàn thể của huyện đã đa dạng hóa hình thức để mang lại hiệu quả cao nhất.
Nội dung cơ bản của bộ Quy tắc ứng xử được phát đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Huyện còn in hàng trăm bảng nội dung Quy tắc ứng xử gửi tới các phòng, ban, ngành, đoàn thể trực thuộc, Ủy ban nhân dân (UBND) các xã, thị trấn để treo, đặt tại các vị trí dễ thấy.
Tại xã Đại Đồng, huyện Gia Lâm, để triển khai có hiệu quả bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, theo Chủ tịch xã Kiều Thị Khuyến, xã đã triển khai xây dựng các mô hình: “Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”, Mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”, mô hình “Hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử và triển khai thực hiện giải quyết các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Đề án 06 tại bộ phận 1 cửa”. Đây là các mô hình tại bộ phận Một cửa mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân trên địa bàn xã trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Xã đã tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông các kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình thi hành công vụ; mở hòm thư góp ý, số điện thoại thường trực để nhân dân kịp thời kiến nghị, phản ánh những thắc mắc trong quá trình giao dịch công việc. Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; giải quyết công việc đúng quy định, quy trình, không sách nhiễu, không gây căng thẳng, bức xúc.
Lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm cho biết, đối với Quy tắc ứng xử nơi công cộng, huyện đã in ấn tờ gấp tóm tắt nội dung gửi tới các thôn, tổ dân phố, hộ gia đình, tuyên truyền thông qua các hội nghị, cuộc họp, các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề. Các thôn, tổ dân phố cũng thực hiện thành công tọa đàm về thực hiện có hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại địa phương…
Tại huyện Đan Phượng, thực hiện bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong các cơ quan Hà Nội năm 2023, huyện đã phát động phong trào thi đua, tổ chức cho 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động viết bản cam kết nghiêm túc thực hiện Quy tắc ứng xử và nâng cao đạo đức nghề nghiệp.
Đặc biệt, UBND huyện đã bổ sung nhưng nội dung mới tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/12/2018 về phê duyệt đề án văn hóa công vụ, bổ sung các nội dung về tinh thần, thái độ làm việc; về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống và trang phục của công chức, viên chức, người lao động.
Nội dung được huyện tập trung triển khai là xây dựng nền hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hành công việc theo nội dung “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”; định hướng cho cán bộ, công chức các chuẩn mực giải quyết công việc với tổ chức và công dân, thực thi công vụ.
Theo Phó Chủ tịch huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, kết quả triển khai từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn đạt nhiều tích cực qua việc xây dựng 7 mô hình văn hóa tiêu biểu. Đó là các mô hình: Mô hình Bộ phận Một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; Mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; Mô hình Trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp; Nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch; Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; Mô hình cơ quan văn hóa, ứng xử hay, nói lời đẹp; mô hình Công chức Bộ phận Một cửa hiện đại.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn, UBND huyện triển khai“Mô hình một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính thân thiện, văn minh”; “Đánh giá mức độ hài lòng của người dân”;mô hình Công chức Bộ phận Một cửa hiện đại tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của các xã, thị trấn và huyện;mô hình Công chức Bộ phận Một cửa hiện đại.
Mô hình điểm thực hiện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính huyện và nhân rộng tại các xã, thị trấn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vai trò, trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ; thực hiện tốt 2 bộ Quy tắc ứng xử. Đồng thời đổi mới, hoàn thiện nâng cao mức độ hài lòng của người dân, lấy người dân làm trung tâm và lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương. Góp phần, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Việc thực hiện các mô hình Quy tắc ứng xử từ huyện đến cơ sở đã có nhiều kết quả tích cực khi 100% các trường thực hiện Mô hình xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp; Nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch, Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trungtâm, Xây dựng môi trường, cảnh quan sư phạm các trường tiểu học, trung học cơ sở, Nhà giáo Đan Phượng tâm huyết sáng tạo.
Phong trào thi đua văn hóa công sở như Mô hình cơ quan văn hóa, ứng xử hay, nói lời đẹp với nhiều nội dung, hình thức phong phú: Đổi mới lề lối và phương thức làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan. Đưa nội dung thực hiện văn hóa công sở vào đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức, đảng viên hàng năm. Cụ thể hóa các quy định về công vụ, văn hóa công sở vào nội quy, quy chế làm việc triển khai 100% các nội dung mô hình đến cán bộ, công chức thi hành công vụ.
Hình thành môi trường đáng sống
Là một trong những phường để lại cho công dân nhiều ấn tượng đẹp khi đến làm thủ tục hành chính, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu của người dân.
Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Thị Ngọc Ánh cho biết: “Chúng tôi thường chủ động quan sát xem người dân đến bộ phận một cửa cần giúp đỡ gì, nếu thấy có người khuyết tật, phụ nữ có thai, người cao tuổi… thì cán bộ sẽ thông báo đến những người đang chờ về trường hợp này để ưu tiên giải quyết trước cho họ. Còn đối với trường hợp già yếu không đi lại được, phường cử người đến tận nhà hỗ trợ làm các làm thủ tục hành chính”.
Còn tại huyện Mỹ Đức, đến nay, đã có bộ phận một cửa của UBND huyện và 22 xã, thị trấn thực hiện mô hình bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính. Hầu hết các cơ quan, đơn vị , UBND các xã, thị trấn đã thực hiện tốt mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng. Trong đó điển hình có các xã An Mỹ, Hồng Sơn, Phùng Xá, Tuy Lai…
Cách làm hay được huyện Mỹ Đức chia sẻ là gắn phong trào thi đua thực hiện Quy tắc ứng xử gắn với Đề án Văn hóa công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; yêu cầu 100% thủ trưởng các cơ quan thuộc huyện trên địa bàn đơn vị ký cam kết triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử gắn với Văn hóa công sở tới 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn đơn vị; 100% cán bộ, công chức, người lao động ký cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử gắn với văn hóa công sở; duy trì hoạt động tổng vệ sinh cơ quan vào chiều thứ 6 hàng tuần.
Năm 2023, huyện Mỹ Đức đã tiếp tục triển khai 2 mô hình tuyên truyền Quy tắc ứng xử là mô hình bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp và mô hình cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng. Đến nay đã có 23/23 bộ phận một cửa của UBND huyện và các xã, thị trấn thực hiện mô hình bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp. Điển hình làm tốt trong triển khai thực hiện mô hình có UBND xã Đại Hưng, xã Hồng Sơn, Hương Sơn.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, người lao động cần được trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho công việc để phục vụ nhân dân tốt nhất. Môi trường làm việc thân thiện, khuyến khích tinh thần hăng say lao động và sáng tạo của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Hiện nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng duy trì hiệu quả cách thức phục vụ người dân như: Mô hình “Ngày không chờ” tại bộ phận một cửa của UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình), mô hình “Ngày không viết và ngày không hẹn” tại bộ phận “một cửa” của UBND thị trấn Phú Minh và UBND xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên)…
Khi áp dụng các mô hình này, người dân sẽ có ngày đến làm thủ tục hành chính là ngày được nhận kết quả luôn, không phải chờ đợi qua ngày khác.
Cùng với đó, một số đơn vị như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Bảo hiểm xã hội quận Hai Bà Trưng, UBND quận Tây Hồ, UBND phường Việt Hưng (quận Long Biên)… còn xây dựng bộ phận một cửa thân thiện bằng việc bài trí nhiều bình cây xanh, mang lại cảm giác dễ chịu cho người dân khi chờ làm thủ tục.
Việc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tích cực triển khai thực hiện bộ phận một cửa thân thiện, gần dân đã cho thấy những hiệu quả trong thực tế. Đây là một hướng đi đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Đồng thời, việc chủ động, sáng tạo của các đơn vị cũng góp phần phấn đấu hoàn thành kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của thành phố Hà Nội. Qua đó, góp phần kiến tạo một Thủ đô văn minh, đáng sống.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-cuoi-gan-quy-tac-ung-xu-voi-cai-cach-hanh-chinh-160867.html