Kỳ cuối: Gia đình 3 thế hệ có tay, chân thừa ngón
Gia đình ông Trần Thanh Tòng (49 tuổi, ngụ xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đều có chân, tay 24 ngón. Dù cơ thể có khác lạ hơn so với những gia đình trong xóm, nhưng cuộc sống của gia đình ba thế hệ vẫn diễn ra bình thường.
Ba thế hệ 24 ngón
Theo tài liệu chuyên ngành, dị tật thừa ngón tay (finger polydactyly) là tình trạng có nhiều hơn 5 ngón tay, trên một bàn tay. Dị tật thừa ngón gặp ở mọi chủng người, mọi vùng địa lý khác nhau.
Mặc dù rất phổ biến nhưng chưa có thống kê chung trong một cộng đồng rộng rãi. Cộng đồng người da trắng 1/3000 trẻ, cộng đồng Nam Phi 10/1000 trẻ, tỷ lệ chung cho cả hai cộng đồng da đen và da trắng là 1,24/1000 trẻ.
Dị tật thừa ngón là một trong những dị tật bẩm sinh ở bàn tay hay gặp nhất và ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động cầm nắm đồ vật của bàn tay, đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ cũng như tâm sinh lý của người bệnh.
Việc dị tật thừa ngón thường chỉ xuất hiện ở tay hoặc chân, nhưng đối với gia đình ông Tòng lại xảy ra ở cả hai bộ phận thì đúng là chuyện lạ. Do vậy, chúng tôi tìm đến nhà và được ông Tòng cho biết: Ông sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, nhưng chỉ có ông và người chị thứ hai là bà Trần Thị Tuyết Mai (60 tuổi) được di truyền 24 ngón từ cha. Điều đặc biệt là con gái của ông Tòng là em Trần Thị Thanh Tuyền (học lớp 6 Trường THCS Bình Long) cũng có 24 ngón.
Tình trạng dị tật thừa ngón tay, ngón chân không phải là quá hiếm. Nhưng thừa ngón theo di truyền đến tận 3 thế hệ và các ngón thừa không dị dạng, cử động linh hoạt ở tất cả bàn tay, bàn chân lại là điều đáng nói.
“Lúc mới sinh con gái, tay và chân nó đều có 6 ngón y hệt tôi. Nhưng vì phần thừa của bàn tay bên phải khá nhỏ nên tôi đưa con đến bệnh viện để cắt bỏ” - ông Tòng nói.
Để chứng thực việc có nhiều thế hệ trong gia đình có nhiều ngón, ông Tòng gọi con gái ra ngồi phía trước nhà, rồi hai cha con cùng xòe bàn tay, bàn chân cho chúng tôi xem. Theo quan sát, bàn tay, bàn chân ông Tòng đều có 6 ngón đều đặn. Cấu trúc xương cũng hoàn toàn không bị dị dạng, thoạt nhìn rất khó nhận ra điểm khác biệt. Không giống những người bị khiếm khuyết dư ngón tay thông thường, mà đều chủ động điều khiển cầm, nắm, co lại bình thường.
Cũng theo ông Tòng, tuy nhiều ngón tay, chân nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Riêng việc chạy xe honda ôm lại càng tiện lợi. Ông hài hước: “Nhiều ngón thì cầm tay lái chắc chắn, đi đứng thì cũng vững hơn so với 5 ngón rồi! Nói đi cũng nói lại, việc có bàn tay, bàn chân cũng mang đến một số khó khăn, vì phải chọn lựa những cỡ giày, dép to hơn bình thường”.
Những vất vả đời thường
Vì gia cảnh nghèo khó, không có “cục đất chọi chim” nên ông Tòng nghỉ học từ sớm và đi làm thuê, làm mướn. Đến khi lập gia đình, cái nghèo vẫn mãi đeo bám. Cũng vì nghèo, vợ ông dứt áo ra đi, để lại đứa con gái nhỏ lại cho ông nuôi dưỡng. Để có tiền cho con ăn học, ông dùng số tiền dành dụm, mua một chiếc xe máy cũ để chạy chở khách kiếm tiền “chạy ăn từng bữa”.
Dù cuộc sống khó khăn, ông Tòng cũng hy vọng lo được cho con ăn học, có nghề để cuộc sống đỡ phần vất vả.
Ngồi nắn nót từng chữ, em Tuyền cho biết: “Lúc nhỏ học mẫu giáo thì em cũng nhận ra khiếm khuyết cơ thể, nên cũng nài nỉ ba cắt bỏ cho giống với mấy bạn. Nhưng ba nói không có tiền nên không cắt. Dần dà, em thấy việc dư ngón cũng không ảnh hưởng gì. Nhà nghèo nên em sẽ cố gắng học”.
Tương tự là trường hợp của anh Nguyễn Tấn Phong (35 tuổi, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cũng có tay, chân thừa ngón. Dù rất chịu khó, nhưng cuộc sống anh cũng trải qua nhiều thăng trầm, bởi công việc thường xuyên thay đổi, dở dang…