Kỳ cuối: Giải pháp nào để phòng, chống sạt lở bền vững?
Tình trạng sạt lở bờ sông luôn là nỗi lo ngại của chính quyền địa phương và hàng nghìn hộ dân sống ven sông. Cũng như nhiều địa phương khác ở đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp đã và đang nỗ lực trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả sạt lở đất. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của riêng chính quyền mà cần sự chung tay từ cộng đồng, đặc biệt là từ chính người dân.
Kỳ 1: “Sạt lở - Đến hẹn lại lên”

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp khảo sát tìm giải pháp khắc phục sạt lở tại xã Tân Quới, huyện Thanh Bình (Ảnh chụp tháng 11/2024)
SẠT LỞ KHÔNG CHỈ DO THIÊN TAI
Sạt lở không chỉ do thiên tai mà còn là hậu quả của những hành động vô tình hay hữu ý từ con người. Ở lòng sông, nạn khai thác cát trái phép diễn ra lén lút, gây ra sự xói mòn nghiêm trọng. Trên bờ, nhà cửa xây lấn chiếm, bồi lấp bờ sông. Theo khảo sát năm 2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có 45.000 trường hợp nhà ở, công trình lấn chiếm sông, kênh, rạch. Con số này đến nay có thể tăng lên và đây cũng là yếu tố khiến sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Lực lượng chức năng xã Tân Quới hỗ trợ người dân di dời nhà
Ông Huỳnh Minh Đường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Nguyên nhân chính gây sạt lở là sự tác động của dòng chảy lên nền địa chất yếu, sự thay đổi dòng chảy cồn cát, cộng thêm biến đổi khí hậu và giảm phù sa từ thượng nguồn, đang khiến tình trạng sạt lở trầm trọng hơn”.
Mặc dù chính quyền tỉnh đã siết chặt quản lý việc khai thác cát đúng phạm vi quy định. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát lậu vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi. Một số đối tượng lợi dụng việc đào ao nuôi cá sát mép sông để khai thác cát trái phép vào ban đêm. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2025, Đồng Tháp đã phát hiện, xử lý 5 vụ, liên quan đến 17 đối tượng về hành vi khai thác cát trái phép.

Các tổ chức chính trị - xã hội xã Tân Quới, huyện Thanh Bình trao tiền hỗ trợ giúp chị Phan Thị Nhụy Em (bìa trái) vượt qua khó khăn do sạt lở
ĐẦU TƯ LỚN NHƯNG KHÓ KHĂN CÒN NHIỀU
Để khắc phục tình trạng sạt lở, Đồng Tháp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng 36km kè chống sạt lở tại các điểm nóng, như: Kè sông Tiền tại xã Mỹ An Hưng B, Tân Mỹ (huyện Lấp Vò) bảo vệ hơn 500 hộ dân, 20 cơ sở sản xuất và tuyến đường huyết mạch ĐT.848; Dự án xử lý cấp bách sạt lở tại xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh) giúp đảm bảo an toàn cho hơn 400 hộ dân; Kè sông Hổ Cứ (TP Cao Lãnh), đã hoàn thành 3 giai đoạn với tổng chiều dài 6.400m. Đoạn tiếp theo dài 1.400m đang được triển khai, dự kiến giúp giảm nguy cơ sạt lở tại khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, tiến độ thi công chậm do thiếu cát, chi phí tăng vì phải nhập khẩu cát từ Campuchia, mặt bằng chưa giải tỏa kịp, năng lực nhà thầu hạn chế...
Chính quyền tỉnh Đồng Tháp đang tích cực tìm kiếm giải pháp thay thế cát và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công các công trình kè và tìm kiếm các vật liệu thay thế bền vững hơn”, ông Huỳnh Minh Đường cho biết.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai xây dựng 5 dự án bố trí ổn định dân cư tập trung, với quy mô 1.833 hộ dân, kinh phí hơn 574 tỷ đồng. Các công trình này vẫn trong giai đoạn thi công.
CHUNG TAY PHÒNG, CHỐNG SẠT LỞ
Để giải quyết bài toán sạt lở một cách bền vững, ngoài công trình kè, tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện các biện pháp dài hạn: mở rộng dòng chảy, duy trì hệ sinh thái tự nhiên, nạo vét bãi bồi hợp lý, điều tiết dòng chảy khoa học để dòng sông không bị “đói phù sa”, giúp ổn định bờ sông, bảo vệ sinh thái.
Việc siết chặt quản lý khai thác cát, áp dụng công nghệ giám sát như camera, phương tiện không người lái (UAV) cũng được đẩy mạnh. Đồng thời, chính sách hỗ trợ di dời, đảm bảo sinh kế cho người dân tái định cư là yếu tố quan trọng để giúp người dân ổn định cuộc sống.
Nâng cao nhận thức cộng đồng là giải pháp không thể thiếu. Người dân cần hiểu rõ tác hại của việc xây dựng lấn chiếm, khai thác cát trái phép; khuyến khích tham gia bảo vệ môi trường, phòng tránh sạt lở.

Bờ sông Tiền đoạn ấp Tân Thới, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa sinh kế của nhiều hộ dân
Các địa phương cần chủ động theo dõi tình hình sạt lở, xây dựng phương án ứng phó theo phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng”.
Tỉnh sẽ tiếp tục quy hoạch, đầu tư cụm dân cư tái định cư, huy động nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia để đẩy nhanh di dời hộ dân vùng nguy cơ cao. Đồng Tháp cũng tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân trong phòng, chống, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tìm kiếm các giải pháp công nghệ hiệu quả hơn.
Chỉ khi có sự đồng lòng từ cộng đồng và quyết tâm của chính quyền, tình trạng sạt lở mới được ngăn chặn, khắc phục bền vững.
Sạt lở không chỉ là vấn đề của riêng Đồng Tháp, mà là thách thức chung của cả đồng bằng sông Cửu Long. Nếu không có giải pháp dài hạn và sự chung tay của toàn xã hội, hàng nghìn hộ dân vẫn sẽ tiếp tục sống trong nỗi bất an thường trực và đất đai màu mỡ của miền Tây sẽ ngày càng thu hẹp.