Kỳ cuối: Hệ quả của các gói đầu tư 'khủng' của các trường mang danh quốc tế

Câu chuyện của Trường quốc tế AISVN thực hiện các hợp đồng với tổng giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng và mất khả năng thanh khoản dẫn đến việc 'ăn đong' thời gian qua đã đặt ra câu hỏi: Trường học có được thực hiện hợp đồng huy động vốn? Và hệ quả của hình thức này?

Quá nhiều rủi ro và kẽ hở xung quanh các hình thức “đóng góp đầu tư”

Các nhóm phụ huynh Trường AISVN đã gửi đơn “cầu cứu khẩn cấp” đến các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh. Phụ huynh cho biết, hơn 90% gia đình đã đóng tiền đầy đủ cho con mình theo học hết cấp 3 ở Trường AISVN dưới hình thức hợp đồng cho vay, hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư, nhưng đến nay họ vẫn chưa được nhà trường hoàn trả lại tiền.

Cần phải có các cơ chế kiểm soát việc huy động vốn của các cơ sở giáo dục như Trường AISVN.

Cần phải có các cơ chế kiểm soát việc huy động vốn của các cơ sở giáo dục như Trường AISVN.

Phía AISVN lúc đó thừa nhận “khoản nợ học phí”, thực chất là số tiền đầu tư giáo dục nhà trường ký kết với phụ huynh thông qua hợp đồng đầu tư giáo dục và sẽ được hoàn trả lại sau 5 - 15 năm học sinh theo học tại trường.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, Trường AISVN là trường tư thục, được quyền huy động vay vốn từ phụ huynh theo quy định, quy chế trường ngoài công lập chứ không phải là học phí. Học phí theo Nghị định 81, chỉ đóng theo tháng, học kỳ hoặc nhiều nhất đóng cả năm học.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Trường AISVN áp dụng 3 hình thức đóng góp gồm đóng theo gói huy động đầu tư với số tiền 4 tỷ đồng để con theo từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ được hoàn trả lại; gói đồng hành đóng một lần 2 tỷ học suốt 12 năm và gói đóng theo tiến độ học tập của học sinh.

Số phụ huynh tham gia đóng theo gói huy động đầu tư, ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin có khoảng 900 học sinh. Như vậy, số tiền trường này huy động từ phụ huynh có thể lên đến 3.600 tỷ đồng… Ông Hiếu cũng dẫn báo cáo của chủ Trường AISVN, cho biết đã đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất, chi nhiều nhưng thu thấp, lỗ từ năm 2018 và hiện mất khả năng chi trả.

Cụ thể hơn, theo số liệu được Trường AISVN báo cáo với tổ công tác của UBND TP Hồ Chí Minh vào tháng 10/2023, trường ký kết 3 loại hợp đồng với phụ huynh, gồm: hợp đồng đồng hành (6 hợp đồng); hợp đồng có hoàn lại (1.231 hợp đồng), tương đương 3.600 tỷ đồng; hợp đồng trọn khóa không hoàn lại (224 hợp đồng), tương ứng 442 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo của nhà đầu tư, có 328 hợp đồng đã được hoàn lại với tổng số tiền 720 tỷ đồng, còn hơn 900 hợp đồng với 2.880 tỷ đồng chưa hoàn lại.

“Chúng tôi muốn biết tiền phụ huynh đã góp vốn, tiền học phí đã đi đâu, đã tiêu dùng như thế nào? Việc nhà trường rơi vào tình cảnh nợ nần, rồi lùm xùm đủ chuyện dẫn tới việc dạy học bị gián đoạn, như vậy là đang đẩy con chúng tôi vào tình trạng không được học tập”, các phụ huynh bức xúc nói.

Có thể thấy, hợp đồng vay vốn, hay đóng các gói đầu tư giữa phụ huynh và cơ sở giáo dục ngoài công lập hay đóng học phí một lần cho cả khóa tuy không mới nhưng khi vụ việc của Trường AISVN vỡ lở và trước đó là vụ Hệ thống Anh ngữ Apax Leaders đã cho thấy rõ nhiều rủi ro và kẽ hở xung quanh các hình thức đóng góp tiền này.

Cần phải có các cơ chế kiểm soát việc huy động vốn của các cơ sở giáo dục

Theo thống kê của chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, có ít nhất 10 trường quốc tế và song ngữ tại TP Hồ Chí Minh chào mời gói “đầu tư giáo dục” cho phụ huynh đóng học phí trước 3 năm, 5 năm, thậm chí tới 12 hoặc 15 năm. Đổi lại, phụ huynh được hưởng học phí thấp hơn mức đóng lẻ từng năm, có thể giảm học phí từ 20%, 40% hoặc cao hơn. Các trường tư thục có chức năng giáo dục nhưng cũng hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận. Đứng sau trường là công ty sở hữu, hoạt động như các doanh nghiệp thông thường với hội đồng quản trị và ban điều hành.

Tuy nhiên, theo quan sát của ông Bùi Khánh Nguyên, các doanh nghiệp khác muốn huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vay vốn từ ngân hàng... đều chịu nhiều điều kiện chặt chẽ khác. Trong khi nhiều trường tư thục tung “chương trình học phí ưu đãi”, “gói đầu tư giáo dục”, “học phí 0 đồng”... lại huy động số tiền lên tới vài nghìn tỷ đồng nhưng mù mờ thông tin, điều kiện lỏng lẻo, đẩy các phụ huynh (người cho vay, đầu tư) vào tình cảnh “nắm dao đằng lưỡi”. Vì thế, rất cần có cơ chế để ngăn ngừa trường hợp nhà trường tư lợi dụng hoặc sử dụng số tiền huy động sai mục đích.

Dù không phải là trường quốc tế, nhưng vụ việc tại Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders cũng là một hình thức đóng các gói học phí trước, với trị giá có thể lên đến hàng trăm triệu đồng cho nhiều năm học. Khi nhận tin cựu Tổng Giám đốc Apax Leaders Nguyễn Ngọc Thủy (“Shark” Thủy) bị bắt tạm giam để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hơn 290 phụ huynh là nạn nhân của chuỗi trung tâm này đã gửi đơn tố cáo đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, sau đó là hành trình gian nan đi đòi lại các khoản tiền đã đóng.

Từ vụ Apax Leaders, các chuyên gia cũng như các nhà quản lý đặt vấn đề cần làm rõ mục đích huy động vốn của Trường AISVN và xem xét họ có đầu tư vào hoạt động cốt lõi hay được đầu tư tràn lan sang bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu...

Chuyên gia Bùi Khánh Nguyên cho rằng các trường tư cần được quản lý theo hai vế. Các sở giáo dục và đào tạo quản lý chuyên môn, còn khi phát sinh huy động vốn (trái phiếu, vay tiền phụ huynh...) thì cần có cơ quan quản lý chuyên ngành giám sát. Bởi bản chất của “gói đầu tư giáo dục” ở các trường phổ thông quốc tế, song ngữ áp dụng là một dạng hợp đồng vay vốn hay huy động vốn. Trong đó, phụ huynh đồng ý đóng trước một khoản tiền (cho vay) trong nhiều năm (có thể tới 15 năm) đổi lại học sinh được học miễn phí hoặc được giảm học phí tới 40% hoặc hơn so với đóng lẻ từng năm.

Mặt tích cực của gói đầu tư này là phụ huynh có tiền nhàn rỗi hoặc có khả năng đóng phí nhiều năm sẽ được hưởng chiết khấu trên học phí rất cao, không bị ảnh hưởng bởi chính sách tăng học phí từng năm (khoảng 10 - 15%) nếu đóng lẻ. Nhưng mặt trái là phụ huynh sẽ phải theo trường suốt một thời gian dài ngay cả khi nhu cầu có thay đổi, hoặc chất lượng trường học đã thay đổi.

Ngoài ra, việc trao trước số tiền lớn cho trường học cũng kèm theo rủi ro là trường hoàn toàn có khả năng gặp sự cố, bị thua lỗ, thậm chí phá sản. Món tiền đó không được bảo hiểm, và nếu trường phá sản thì cũng chỉ thực hiện theo luật phá sản của doanh nghiệp vì hầu hết trường tư hoạt động như một công ty hay doanh nghiệp vì lợi nhuận.

Theo chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, khi lựa chọn tham gia gói đầu tư, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ ai là chủ trường, uy tín của họ tới đâu, mức độ cam kết của họ với phát triển trường cũng như chất lượng giáo dục tới đâu, tiềm lực tài chính của họ ra sao… Nếu kế hoạch và năng lực quản lý tốt thì phụ huynh có thể cân nhắc tham gia. Nhưng nếu không có thông tin đáng tin cậy, phụ huynh cần cân nhắc vì khả năng trường mất tiền, không còn tài sản để giữ cam kết với phụ huynh là rất cao.

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải có các cơ chế kiểm soát việc huy động vốn của các cơ sở giáo dục. Việc để các trường tự phát kêu gọi vốn nhưng không chịu sự quản lý giám sát, kém minh bạch thông tin tiềm ẩn quá nhiều rủi ro và hệ lụy...

Trước đó ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo Văn phòng UBND thành phố, Sở GD-ĐT rà soát lại trách nhiệm quản lý nhà nước với Trường AISVN nói riêng và các trường tư thục khác. Từ đó, thành phố chấn chỉnh công tác quản lý, kiểm tra, giúp các trường hoạt động đúng quy định pháp luật, thông lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích của người học.

Phú Lữ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/ky-cuoi-he-qua-cua-cac-goi-dau-tu-khung-cua-cac-truong-mang-danh-quoc-te-i741864/