Kỳ cuối: Huy động nguồn lực để các không gian sáng tạo 'cất cánh'
Không gian sáng tạo có nhiều giá trị đối với sự phát triển của đô thị, tuy nhiên, cần có giải pháp đồng bộ để phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội. Phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Hà Nội là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng Thành phố sáng tạo. Xin ông cho biết nguồn lực sáng tạo đó thể hiện như nào?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trước hết, chúng ta cần bắt đầu bằng quan điểm của UNESCO trong việc hình thành mạng lưới các thành phố sáng tạo theo tinh thần Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa, theo đó, sáng tạo - như một biểu đạt của văn hóa, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của một đô thị, một khu vực, một quốc gia, và cuối cùng là cho toàn thế giới. Việc công nhận thành phố sáng tạo luôn phải bám sát vào các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc đề xuất là vì lý do như vậy.
Quay trở lại với câu chuyện của Hà Nội, ở đây, Thủ đô là tự hào của Việt Nam: bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, sự hấp dẫn, đa dạng của các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tài hoa của con người.... được hội tụ và tỏa sáng tại Thành phố đặc biệt này. Nhiều câu thơ, ca dao, tục ngữ, bài hát, bức tranh, bộ phim hay ở nhiều loại hình nghệ thuật khác đã thể hiện vẻ đẹp của Hà Nội từ nhiều cách tiếp cận khác nhau. Chính vì thế, việc vinh danh Hà Nội là một trung tâm về văn hóa từ tổ chức văn hóa lớn nhất thế giới - UNESCO đã trở thành trách nhiệm và vinh dự của mỗi một người dân Việt Nam, chứ không riêng gì người Hà Nội.
Hà Nội có rất nhiều tiềm năng, lợi thế sáng tạo. Tiềm năng đó đến từ lịch sử hơn 1.000 năm là Kinh đô của đất nước (trừ một khoảng thời gian nhất định) giúp cho Thủ đô đã là nơi tập trung của tinh hoa đất nước. Với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.206 lễ hội diễn ra trong năm, khoảng 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu tạo ra những sản phẩm độc đáo, Hà Nội chính là địa phương có nhiều di sản văn hóa nhất cả nước. Thương hiệu thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo với hệ thống các di sản văn hóa được UNESCO công nhận, phố cổ, hệ thống các đình, đền, chùa, làng cổ… hay đặc biệt là những món ăn đặc sản là những tiềm năng có thể khiến Hà Nội trở nên vô cùng đặc biệt.
Nhiều trường văn hóa - nghệ thuật trong đó có Đại học Mỹ thuật Việt Nam có gần 100 năm truyền thống (phát triển từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) hay các ngành nghệ thuật mới như của Đại học FPT, RMIT… đã có những thương hiệu, dấu ấn riêng của mình, những tên tuổi của các nghệ sỹ với những bộ phim, bài hát, dòng tranh riêng cho Hà Nội. Những không gian sáng tạo được thử nghiệm với Manzi, Nhà Sàn Collective… hay một số chương trình nghệ thuật, sáng tạo dưới sự hỗ trợ của sứ quán một số nước tại Việt Nam như Đức, Pháp, Anh… đã giúp tạo ra những môi trường sáng tạo cho thành phố.
Nguồn lực sáng tạo cũng được thể hiện cụ thể qua sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo của Thành phố. Số liệu năm 2018 cho thấy ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố Hà Nội), trong đó giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP của thành phố Hà Nội).
Trong tổng số 10.020 doanh nghiệp đang hoạt động hiện tại trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo trên địa bàn của thành phố Hà Nội, thì có tới 2.764 doanh nghiệp thiết kế, 270 doanh nghiệp nghệ thuật, 380 doanh nghiệp văn hóa, và 1.436 doanh nghiệp thời trang. Ngoài việc tạo ra công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân, ngành công nghiệp sáng tạo còn tạo ra những giá trị gia tăng cho các sản phẩm kinh tế và văn hóa. Giúp văn hóa Thủ đô trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; đưa văn hóa đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội theo đúng tinh thần văn kiện Hội nghị lần thứ chín (Ban Chấp hành Trung ương khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
PV: Trong hành trình xây dựng Thành phố sáng tạo, vai trò của các không gian sáng tạo là rất lớn. Xin ông cho biết, Hà Nội có thể học được gì từ kinh nghiệm xây dựng mô hình này trên thế giới?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Các không gian sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đô thị, bởi nó tạo ra bản sắc cho đô thị. Các không gian sáng tạo, đặc biệt là các không gian sáng tạo nghệ thuật là một hướng giải quyết để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, duy trì và tạo ra bản sắc cho đô thị.
Nhiều trường hợp ở các đô thị trên thế giới, việc phát triển các không gian sáng tạo đã tạo ra dấu ấn mới cho sự phát triển. Nhiều đô thị chuyển đổi từ các thành phố công nghiệp bụi bặm, ô nhiễm trở thành các địa điểm du lịch, giải trí hấp dẫn nhờ việc hình thành các không gian sáng tạo cho mình.
Ở thành phố Bristol (Vương quốc Anh), Tobacco Factory Theatre là một không gian sáng tạo được hình thành từ việc cải tạo một công trình đã cũ để trở thành biểu tượng mới, tạo dựng bản sắc mới cho thành phố. Trước kia, đây vốn là một nhà máy thuốc lá của Bristol, nơi tập trung của khoảng 40.000 người dân. Sau thời kỳ suy thoái, nhà máy thuốc lá phải tạm dừng hoạt động và thậm chí bị bỏ hoang. George Ferguson, một chính trị gia lúc đó đã bỏ tiền ra mua nhà máy này và khuyến khích các nghệ sĩ biến khu đất bỏ hoang này thành một địa điểm nghệ thuật.
Dưới bàn tay của các nghệ sĩ, nhà máy thuốc lá bỏ hoang có một sức sống mới với hàng loạt các nhà hát hay các triển lãm. Các dịch vụ khác lần lượt được mở trở lại. Khu vực hoang vắng trước kia giờ trở nên đông đúc với các cửa hàng và hàng loạt các dịch vụ khác. Khu vực này lại trở nên đáng sống với người dân địa phương nhờ sự can thiệp của nghệ thuật. Và điều đặc biệt là nhờ những cống hiến cho nghệ thuật, George Ferguson trở thành thị trưởng được bầu đầu tiên của thành phố Bristol (nhiệm kỳ 2012 - 2016).
Ví dụ này cho thấy, đối với Hà Nội, chúng ta cần xây dựng bản sắc mới, riêng từ việc hình thành các không gian sáng tạo. Truyền thống nghìn năm văn hiến của Hà Nội có thể tìm thấy ở những góc phố, những tòa nhà được tái sử dụng cho mục đích của xã hội hiện tại. Đưa nghệ thuật vào không gian sống, khiến cho cuộc sống trở nên sinh động, vui vẻ hơn là những gì mà các không gian sáng tạo có thể làm được cho Hà Nội. Phố bích họa Phùng Hưng, không gian đi bộ quanh Hồ Gươm, phố Trịnh Công Sơn… có thể được xem là những không gian sáng tạo mang tín hiệu định hình bản sắc Thủ đô trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần phải tạo ra sự hấp dẫn cho đô thị. Ngày nay, sự cạnh tranh của các đô thị ngày càng quyết liệt. Các đô thị cố gắng xây dựng thương hiệu của mình qua nhiều cách thức khác nhau như các sự kiện, hoạt động, các tòa nhà, cây cầu,… Các không gian sáng tạo cũng không nằm ngoài quy luật này.
Ở tầm quốc gia, việc xây dựng các tổ hợp sáng tạo, thành phố thông minh đang trở thành xu hướng mà nhiều nước đang theo đuổi. Những mô hình như Hollywood, Silicon Valley được nhiều nước vận dụng theo lối riêng của mình. Ở tầm các đô thị cụ thể, các thành phố cố gắng xây dựng các điểm nhấn của mình qua các không gian sáng tạo.
Watershed là một tổ chức thực hiện các dự án về tạo ra các hoạt động và không gian văn hóa, nghệ thuật ở thành phố Bristol. Chủ trương của thành phố Bristol là khuyến khích sự phát triển nghệ thuật trở thành phương tiện để công dân đối thoại với nhau và đối thoại với chính quyền. Chủ trương này bắt nguồn từ một triết lý sống hiện đại là công dân ngày càng tham gia tích cực hơn vào cuộc sống xã hội. Vì thế, Watershed thử nghiệm ở thành phố này như việc biến cầu thang đi bộ lên tầng ở nhà ga thành các phím nhạc, theo đó, người đi cầu thang bộ sẽ tạo ra những âm thanh vui nhộn đã khiến tăng 66% số người chuyển từ đi thang máy sang đi thang bộ.
Kết quả này không chỉ tạo ra thói quen chuyển từ đi thang máy sang thang bộ, mà còn tạo ra nhiều giá trị khác như sự vui vẻ hay sức khỏe của người dân. Hay ví dụ về việc lắp những bóng đèn trong một số địa điểm trong thành phố mà khi đứng dưới những bóng đèn này, người dân có thể vui đùa với những hình ảnh vui nhộn, hoặc những dự án có nội dung về đối thoại với cây xanh trong thành phố, đối thoại với cột đèn trong thành phố… Tất cả tạo ra sự quan tâm của người dân đối với những vấn đề của thành phố Bristol. Từ năm 2013, mục tiêu của thành phố Bristol là biến nơi đây thành một thành phố đáng sống, vui chơi, chính vì vậy, Watershed có những nhiệm vụ về nghệ thuật để tạo ra mục tiêu chung đó của thành phố này. Thành phố đặt ra ngày 19/11 hằng năm là ngày vui chơi cho người dân thành phố.
Sự hấp dẫn của Hà Nội có thể tham khảo cách thức mà thành phố Bristol đã thực hiện. Khẩu hiệu thành phố đáng sống cần đi kèm với những hành động cụ thể, ở đó, người dân có thể tham gia vào các hoạt động sáng tạo, vui chơi. Các không gian sáng tạo chính là nơi truyền cảm hứng cho các hoạt động sáng tạo, vui chơi.
Tiếp đến là truyền cảm hứng sáng tạo. Một trong những khó khăn khi người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật là tìm cho mình một không gian làm việc, một không gian khởi nghiệp. Phần lớn họ là những cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ tự do, đặc thù công việc ít ổn định, không thường xuyên hoặc có thể đến với nghệ thuật như “nghề tay trái”. Hơn nữa, chi phí cho việc thuê địa điểm tại các khu vực trung tâm thường khá cao nên dù rất có nhu cầu nhưng họ khó có thể tiếp cận được.
Các không gian sáng tạo vì vậy trở thành một giải pháp hỗ trợ thiết thực. Các không gian sáng tạo mang đến những kết cấu hạ tầng phù hợp cho công việc sáng tạo, như không gian làm việc với nhiều tiện ích, studio, phòng họp, không gian dành cho các sự kiện,… Ít mang dáng dấp của một công sở hay văn phòng hành chính thông thường, các không gian này thường khá thoải mái, nhiều phá cách độc đáo trong thiết kế, sử dụng màu sắc,… tạo tâm thế tự do và truyền cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ.
Như vậy, với các không gian sáng tạo làm việc chung (co-working space), các cá nhân sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được cung cấp mặt bằng để kết nối và những cơ hội trao đổi, chia sẻ về nghề nghiệp, ý tưởng sáng tạo, tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm để giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp sáng tạo có thể thành công. Thông thường, các không gian sáng tạo này luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội gặp gỡ với các nhà đầu tư, tham gia khóa học kinh doanh, kết nối với các doanh nghiệp khác để cùng đồng hành trong quá trình khởi nghiệp. Chính vì vậy, các không gian sáng tạo luôn có ý nghĩa tạo điều kiện và truyền cảm hứng cho sáng tạo của cá nhân và doanh nghiệp. Ở Hà Nội, các không gian sáng tạo, như Heritage Space, Hanoi Creative City, Toong, Phòng hỗ trợ khởi nghiệp Lotte,… chính là những địa điểm như vậy.
Với các không gian sáng tạo văn hóa - nghệ thuật, đây chính là nơi để các nghệ sĩ trưng bày, giới thiệu về các sáng tạo, thử nghiệm nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi để thu hút cộng đồng tham gia vào nghệ thuật. VICAS Art Studio là trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Không gian sáng tạo này tổ chức trưng bày nghệ thuật theo các chủ đề khác nhau, như “Rác xuân”, “Qua miền Tây Bắc”, “Hư hư thực thực”, “Mãi yêu”, “Vòng xoáy của sự im lặng”,… mang ý nghĩa xã hội, giúp xây dựng thương hiệu cho nghệ sĩ, kết nối nghệ sĩ với thị trường và khán giả.
Những ví dụ về không gian sáng tạo văn hóa - nghệ thuật như vậy còn rất nhiều ở Hà Nội hay các địa điểm khác. Tất cả có một điểm chung là truyền cảm hứng sáng tạo và sự chia sẻ tình cảm trong cộng đồng. Những gì đem lại từ sáng tạo và nghệ thuật từ các không gian sáng tạo này sẽ giúp cho con người và cuộc đời trở nên đẹp đẽ, nhân ái, vui vẻ, gắn kết và đáng sống hơn.
Ngoài ra, tái sinh đô thị. Các không gian sáng tạo giúp tạo ra mô hình kinh doanh mới. Không gian sáng tạo truyền cảm hứng, kết nối sáng tạo, kiến thức và kỹ năng. Hà Nội có rất nhiều các nhà máy cần phải di dời để giảm ô nhiễm. Việc nghiên cứu xây dựng các công trình nghệ thuật, các không gian sáng tạo có thể áp dụng cho các khu vực này để tái sinh, tạo sự hấp dẫn cho các khu vực vốn gây ô nhiễm trước kia ở Hà Nội.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm, các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá dọc đường Nguyễn Trãi, nếu có thể, biến thành địa điểm dành cho các không gian sáng tạo và công viên cây xanh sẽ giúp cho khu vực này, vốn đang có rất nhiều nhà cao tầng, trở nên đáng sống hơn. Việc bố trí các khu vui chơi, dành cho các hoạt động sáng tạo của cộng đồng nên được xem xét mỗi khi tiến hành quy hoạch, xây dựng bất kỳ một khu vực đô thị mới nào.
PV: Như ông vừa chia sẻ, không gian sáng tạo có nhiều các giá trị đối với sự phát triển của đô thị. Tuy nhiên, việc phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội không phải chuyện đơn giản. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, chuyên gia và nhà nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, ông có hiến kế gì giải quyết khó khăn này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của các không gian sáng tạo trong việc phát triển Thủ đô.
Các không gian sáng tạo không chỉ là nơi kinh doanh, khu vui chơi giải trí mà còn là nơi tạo ra động lực cho sự phát triển của thành phố. Hiện nay, trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành công nghiệp sáng tạo đang có nhiều cơ hội để phát triển. Chính vì vậy, bên cạnh việc nhìn nhận những giá trị trực tiếp mà các không gian sáng tạo đem lại, Hà Nội cũng phải nhìn nhận thấy những giá trị gia tăng, gián tiếp của các không gian sáng tạo ấy, như góp phần tạo bản sắc, quảng bá hình ảnh, tăng sức hấp dẫn cho Thủ đô và các tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế - xã hội khác.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo của Thủ đô. Hiện nay, các không gian sáng tạo đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, dẫn đến việc hình thành, tồn tại và ngừng hoạt động của các không gian sáng tạo ở Thủ đô có chu trình rất nhanh. Rõ ràng, chúng ta không thể ứng xử với các không gian sáng tạo như doanh nghiệp bình thường vì đặc điểm của các không gian này mang tính thử nghiệm, hướng tới cộng đồng.
Thực tiễn cho thấy, một thành công trong lĩnh vực sáng tạo có thể đem lại rất nhiều lợi nhuận cho người sáng tạo, cộng đồng và quốc gia, như sự phát triển của facebook, uber, grab, amazon…, mặt khác cũng cho thấy khoảng 80% các ý tưởng táo bạo đã bị thất bại. Nuôi dưỡng ước mơ, sáng tạo phải được thực hiện theo cách khác thông thường, vì vậy, chính quyền thành phố cần có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế, xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý của các không gian sáng tạo là những tổ chức phi lợi nhuận, vì cộng đồng, thì các không gian sáng tạo ở Thủ đô mới có thêm những cơ hội phát triển.
Thứ ba, huy động nguồn lực cho các không gian sáng tạo. Hiện nay, đa phần các không gian sáng tạo ở Hà Nội là sáng kiến cá nhân, tâm huyết của những nhóm nhỏ. Đây cũng là những lý do khiến cho các không gian sáng tạo ở Hà Nội chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn khi mà nỗ lực của các cá nhân không vượt qua được những trở lực của lợi nhuận, đi kèm với sự tâm huyết sụt giảm theo thời gian.
Để truyền cảm hứng cho các không gian sáng tạo phát triển, chính quyền thành phố cần có cơ chế để tạo nguồn lực hỗ trợ cho việc nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình phát triển không gian sáng tạo. Bên cạnh đó, việc hình thành một quỹ hỗ trợ sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cũng có thể giúp các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, các doanh nghiệp có thể chung sức cùng chính quyền Thủ đô phát triển các không gian sáng tạo.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng:
Hà Nội sẽ xây dựng Bộ Tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo
Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các “Thành phố Sáng tạo” của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách tạo “khung” để phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa các cam kết với UNESCO.
Để hiện thực hóa cam kết, Thành phố mong muốn hình thành Mạng lưới các không gian sáng tạo. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện Bộ Tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội - hướng đến thành lập Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội. Chúng tôi xây dựng Bộ Tiêu chí với mong muốn giữ gìn, phát triển không gian sáng tạo để người dân Thủ đô và du khách hưởng thụ các giá trị văn hóa.
Theo Bộ tiêu chí, khi tham gia Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội, các thành viên sẽ được cấp chứng nhận thành viên, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định; hỗ trợ kết nối công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của không gian trên hệ thống trang chính thức thành phố sáng tạo Hà Nội. Các đơn vị trong mạng lưới được hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục cấp phép theo quy định, khuyến khích hỗ trợ tổ chức các hoạt động có sáng tạo hình thành nên những tác phẩm mới có giá trị; hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục cấp phép quảng cáo theo quy định.
Các đơn vị tham gia các hoạt động của Mạng lưới sáng tạo thành phố Hà Nội được kết nối hoạt động của các thành viên trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong khu vực và quốc tế; hàng năm hỗ trợ một phần kinh phí (theo dạng hỗ trợ dự án) để triển khai các hoạt động sáng tạo tiêu biểu, có giá trị sáng tạo cao, có ảnh hưởng đến cộng đồng… trên cơ sở đề xuất của các không gian sáng tạo và được hội đồng chuyên gia đánh giá. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; các đơn vị liên quan bố trí địa điểm và hỗ trợ điều kiện để tổ chức các hoạt động sáng tạo văn hóa tại các không gian tuyến phố đi bộ, các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử văn hóa phù hợp… trên cơ sở đề xuất của các không gian văn hóa sáng tạo…
Hàng năm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tổ chức đánh giá, khen thưởng cho đơn vị, tổ chức và cá nhân đã có nhiều hoạt động và đóng góp trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, trường hợp có thành tích xuất sắc sẽ đề xuất khen thưởng cấp Thành phố.