Bão số 3 gây thiệt hại nặng: Một người mất tích, hơn 400 nhà tốc mái, gần 120 nghìn ha lúa bị ngập
Mặc dù đã suy yếu thành vùng áp thấp, bão số 3 vẫn gây mưa lớn kéo dài tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, khiến lũ trên sông Cả vượt mức lịch sử, gây thiệt hại nặng về người, nhà ở và sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương.

Hiện trạng cầu treo vào bản Púng Bon (Điện Biên) bị đổ sập. (Ảnh: CTV nhandan.vn)
Thiệt hại nặng nề do hoàn lưu bão số 3
Theo báo cáo nhanh ngày 22/7, hoàn lưu bão số 3 gây mưa rất to tại nhiều khu vực, đặc biệt là Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ...
Tại tỉnh Nghệ An, 1 người mất tích do lũ cuốn, 1 người bị thương. Thiệt hại về nhà ở lên tới 420 căn bị hư hỏng, tốc mái, trong đó Thanh Hóa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 251 nhà, Nghệ An 161 nhà và Phú Thọ 8 nhà.
Về sản xuất nông nghiệp, có tới 119.408ha lúa bị ngập úng, riêng Ninh Bình 74.017ha, Hưng Yên 26.000ha và Thanh Hóa 19.391ha. Ngoài ra, 9 con gia súc và 3.276 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát thiệt hại, vận hành các trạm bơm tiêu úng và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.
Mưa lớn kéo dài khiến lũ trên sông Cả (Nghệ An) đạt đỉnh vượt mức lịch sử tại nhiều điểm. Tại trạm Mường Xén, mực nước lúc 2 giờ ngày 23/7 đạt 145,89m, cao hơn báo động 3 là 3,89m và vượt đỉnh lũ năm 1996 tới 0,40m. Các trạm Thạch Giám, Con Cuông cũng vượt báo động 3 và đang tiếp tục lên.
Dự báo trong những ngày tới, hạ lưu sông Cả tiếp tục đối diện nguy cơ lũ lớn, có nơi trên mức báo động 3.
Tình trạng mưa lũ dồn dập khiến các hồ chứa thủy điện và thủy lợi lớn đều vận hành điều tiết khẩn cấp.
Đáng chú ý, hồ thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) ghi nhận lưu lượng lũ về hồ lên tới 12.800m³/s, vượt mức kiểm tra ứng với tần suất 5.000 năm. Đến sáng 23/7, lưu lượng về hồ vẫn duy trì ở mức cao và buộc phải tiếp tục xả lũ.
Tại khu vực Bắc Bộ đến Hà Tĩnh hiện có hơn 4.400 hồ chứa thủy lợi, trong đó nhiều hồ đã đầy nước. Có 91 hồ đang sửa chữa, nâng cấp và 5 hồ đang xây dựng mới, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu tiếp tục mưa lớn.
Hoàn lưu bão cũng gây ra 6 sự cố đê điều nghiêm trọng. Tại Hà Nội, xuất hiện vết nứt dài trên đê hữu Cầu (xã Đa Phúc) và đê hữu Hồng (xã Phúc Lộc). Tại Thanh Hóa và Ninh Bình, nhiều điểm sạt mái đê, tụt hố và sự cố cống buộc địa phương phải khẩn trương xử lý giờ đầu bằng gia cố, đóng cọc tre, phủ bạt, bao tải đất.
Chỉ đạo quyết liệt ứng phó thiên tai
Trước tình hình mưa lũ nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 22/7/2025, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là tỉnh Nghệ An tập trung ứng phó khẩn cấp, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và hệ thống hồ chứa.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó tại tỉnh Thanh Hóa. Các đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có mặt tại Nghệ An và Ninh Bình để chỉ đạo ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn hồ chứa, công trình thủy lợi, đê điều.
Tỉnh Nghệ An đã kích hoạt phương án ứng phó khẩn cấp, vận hành giảm lũ hạ du thủy điện Bản Vẽ và triển khai lực lượng túc trực, bảo vệ an toàn công trình và người dân vùng hạ du.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ ngày 24/7-25/7, Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục có mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 60mm-120mm, có nơi trên 200mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại vùng trũng thấp.
Các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động triển khai phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”, kịp thời sơ tán dân và bảo đảm an toàn công trình xung yếu.