KỲ CUỐI: Những công trình độc đáo khác trong thủ đô

Tác giả trước tòa nhà Nam Khleang. Ảnh: ĐỖ XUÂN

Ngoài ngôi đền trung tâm là Bayon, Angkor Thom còn có hàng trăm công trình kiến trúc có tuổi đời nhiều thế kỷ, gợi nhớ về một nền văn minh rực rỡ đã lụi tàn, chỉ còn lại những di tích hoang phế, rong rêu nhưng cũng đủ sức chiếm lĩnh trái tim của những người yêu văn hóa - nghệ thuật.

Baphuon - trò chơi xếp hình lớn nhất thế giới

Cách Bayon 200m, ngôi đền này không đông đúc như Angkor Wat, Bayon, Ta Prohm. Nằm trong một khu vực rộng 10ha tiếp giáp Cung điện Hoàng gia với hàng ngàn phiến đá cổ rất lớn nằm ngổn ngang vốn là của đền Baphuon.

Được xây dựng dưới triều vua Udayadiyavarman II vào giữa thế kỷ XI để thờ thần Shiva, đây là ngôi đền - núi dạng kim tự tháp ba tầng hùng vĩ nhất trước khi có ngôi đền Angkor Wat.

Từ phía đông đi vào qua một cầu lát đá dài 225m với hồ nước lớn hai bên, xuyên qua một điện thờ ở khoảng giữa, du khách đến một cổng vòm được trang trí tượng thần, hoa văn cùng các gallery nối liền nhau. Sau cổng là đường đi lát đá, băng qua một điện thờ với các điêu khắc trang trí cây cỏ, thợ săn và các chiến binh.

Đường đi này dẫn đến tường bao bằng đá thứ nhất có kích thước 130m x 104m với cổng vào ở bốn mặt, các gallery bao quanh chỉ còn lại một số vết tích phù điêu cũ cùng phần đổ nát còn lại của hai tòa nhà thư viện.

Tiếp theo là lớp tường bao thứ hai cao hơn có bốn cổng vòm trang trí các câu chuyện từ sử thi Ramayana và Mahabharata, các hình ảnh hoa lá, thú vật, các chiến binh và các vị thần. Gallery tầng này còn tương đối nguyên vẹn với các hành lang được bao phủ bởi mái vòm đá, đỡ bằng hai dãy cột và một vách ngăn chịu lực.

Độc đáo nhất là bức tượng Phật nhập Niết bàn được ghép bằng đá cao 9m nằm ở cuối cạnh phía tây ngôi đền được thêm vào nửa sau thế kỷ XVI, khi Campuchia chuyển quốc giáo từ Hindu sang Phật giáo. Tượng này từng bị sụp đổ vì mặt bằng đền đã yếu lại chịu thêm tải trọng từ bản thân bức tượng.

Tầng trên cùng có kích thước 42m x 36m với một điện thờ mà ngày nay chỉ còn vết tích một số khung cửa. Linga quan trọng nhất, biểu tượng cho thần Shiva, được tôn thờ tại điện này. Một gallery vòng quanh với bốn cổng vòm ở các phía đã bị nuốt chửng hoàn toàn trong đống đá lộn xộn dưới chân. Trên các tầng, tôi đều gặp nhiều hậu duệ của Tôn Ngộ Không leo trèo, đùa giỡn nên phải hết sức cảnh giác với hành lý và máy ảnh của mình.

Điều thú vị là theo dự án khôi phục vào những năm 1960, toàn bộ ngôi đền được tháo ra thành khoảng 300.000 phiến đá và phân loại, đánh số thứ tự, sắp xếp trên diện tích 10ha xung quanh để chờ gia cố nền móng xong sẽ lắp ráp lại. Không may nội chiến bùng nổ, việc khôi phục tạm dừng và khó khăn nhất là toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đã bị mất. Ngôi đền đã “sống lại” sau 51 năm khôi phục, trong đó thời gian gián đoạn gần 25 năm.

Một điều kỳ diệu nữa là kế hoạch những năm 1960 định bỏ luôn tượng Phật để khôi phục lại hoàn toàn theo phong cách thế kỷ XI, sau thời gian gián đoạn thì dự án mới đã cho phép dựng lại tượng Phật với những biện pháp gia cường đặc biệt, nhờ đó mà khách viếng thăm còn được chiêm ngưỡng ngôi đền với dấu ấn của từng giai đoạn lịch sử.

Sân Voi và sân Vua Cùi

Đầu cầu Naga dẫn vào đền Baphuon là điểm bắt đầu của một con đường đắp cao 2,5m trải dài trên 300m nằm bên đường dẫn ra phía bắc thủ đô, đối diện với một khoảnh sân lớn từng là nơi duyệt binh, diễu hành voi, diễn ra các lễ hội và những sự kiện lớn của đất nước. Được xây dựng bởi Jayavarman VII và các đời vua sau, nơi này có tên sân Voi, là nơi nhà vua và quần thần dự các sự kiện cũng như tiếp xúc với nhân dân.

Sân được đặt tên theo những điêu khắc hình voi ba đầu và những quản tượng. Cuối bậc tam cấp có các mảng điêu khắc những đầu voi lớn nhô ra khỏi tường với ba vòi thòng xuống mặt đất, tại mỗi góc của sân có tượng sư tử đá canh gác. Mặt trong và ngoài của sân có hình điêu khắc các Apsara, các chiến binh và những thú vật huyền thoại.

Bên ngoài có các hình chạm trổ sinh động về các môn thể thao đương thời như đấu vật, các trò chơi trên lưng ngựa, lưng voi. Đoạn giữa sân là các điêu khắc chim thần Garuda dùng hai tay nâng đỡ sân, hình ngựa thần và voi cũng như những hình ảnh về Đức Phật.

Tiếp giáp với sân Voi ở phía bắc là sân Vua Cùi có kích thước 25m x 25m, cao 6m được xây bởi Jayavarman VII vào cuối thế kỷ XII. Cái tên xuất phát từ một bức tượng được khám phá tại đây vào thế kỷ XV, tương truyền là hình ảnh của vua Yasovarman I ở tư thế ngồi, với đầu gối phải nâng lên và bàn tay phải đã mất. Một dãy hành lang hẹp chìm dưới mặt đất với các bức tường sa thạch bên trong, có bảy dải ngang các điêu khắc nổi hình cá, sông nước, cỏ cây hoa lá, các vị thần cưỡi các linh vật biển, các Apsara tuyệt đẹp. Bảy dải ngang tường bên ngoài là điêu khắc chim thần Garuda, Dravapala (người cầm vũ khí đứng gác), rắn thần Naga, phụ nữ khỏa thân đội mão hình ngọn lửa... sắc sảo như vừa mới hoàn thành.

Cung điện Hoàng gia ngày nay chỉ còn lại một số tường thành và dấu vết hai hồ nước lớn từng là nơi các thành viên hoàng gia tắm. Quan niệm thời đó cho rằng chỉ có các vị thần mới được ở trong các ngôi đền bằng đá, gạch nên các dinh thự của nhà vua toàn bằng gỗ đã bị thời gian hủy hoại hoàn toàn, ngày nay còn lại lớn nhất là đền Phimeanakas ba tầng vốn nằm trong khu cung điện bởi truyền thuyết đây là nơi nửa đêm nhà vua ngự với một hiện thân là phụ nữ của rắn thần chín đầu trên đỉnh tháp.

Những nhóm tháp bên quảng trường Chiến Thắng

Nhóm tháp Prasat Suor Prat gồm 12 tháp bằng gạch và đá ong nằm đối diện với sân Voi và sân Vua Cùi với quảng trường Chiến Thắng ở giữa, mỗi bên đường dẫn ra cổng Chiến Thắng có sáu tháp. Thường gọi là tháp 12 con giáp, mục đích xây dựng các tháp vẫn còn chưa rõ. Có nhiều giả thuyết khác nhau: đây là nơi các nghệ sĩ biểu diễn nhào lộn từ các dây nối mặt đất với đỉnh tháp trong dịp lễ hội, là nơi giải quyết các tranh chấp pháp lý bằng phương pháp mang tính tâm linh, là phòng tiếp tân các thượng khách của vua. Điều rõ ràng nhất: đây là góc rất đẹp nhìn ra quảng trường Chiến Thắng và sân Voi.

Các tháp có nền vuông với hai tầng, phía trên nhỏ hơn, trên ba cạnh của mỗi tháp có những cửa sổ lớn, trán tường bằng sa thạch trang trí tượng sư tử, rắn thần Naga. Phía sau hai tháp gần đường ra cổng Chiến Thắng nhất là một hồ nước lớn có các bậc bằng đá ong vẫn còn chứa nước. Quan sát kỹ nhiều lần ở các góc độ khác nhau, tôi thấy hầu hết các tháp đã xiêu vẹo như sẵn sàng sụp đổ. Chỉ có một tháp được chuyên gia Nhật Bản tháo rời toàn bộ 2.700 phiến đá và lắp ráp lại sau khi gia cường móng là tôi yên tâm bước vào, số còn lại thì vừa bước vào vừa nơm nớp nhìn các khung thép chống đỡ tạm thời.

Đối diện với sân Voi và sân Vua Cùi là hai dinh thự bằng đá có hình chữ nhật giống nhau, nằm phía sau nhóm tháp Prasat Suor Prat và ở hai bên đường ra cổng Chiến Thắng mang tên Nam Khleang và Bắc Khleang, đều có các biểu tượng Kala dữ tợn trên dầm ngang, trông xa rất ấn tượng giữa rừng cây xanh mướt và các tháp gạch đỏ rực giữa nắng trưa. Những điêu khắc còn lại thể hiện chúng là khu tiếp tân hoặc là nơi ở của khách nước ngoài thời đó.

Nhóm đền bằng đá Preah Pithu gần Bắc Khleang được xây dựng vào thế kỷ XII-XIII, đang đổ nát trầm trọng nhưng có nhiều điêu khắc đẹp và nằm trong khu rừng xanh mát, thanh bình. Có năm đền mang ký hiệu T, U, V, W và X, trong đó đền X thờ Phật, những đền kia thờ các thần Hindu.

Bất ngờ chạm mặt các linga còn nguyên vẹn trong những đền, tháp gần như sụp đổ, sững sờ trước nét đẹp hoang dại của cặp voi đá mốc meo ngoài khoảnh sân hoang tàn nhưng các hoạt động bảo tồn chuyên nghiệp kề bên đã giúp tôi vững tin rằng những di tích này sẽ không trở thành phế tích.

NGUYỄN THANH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/89/229000/ky-cuoi--nhung-cong-trinh-doc-dao-khac-trong-thu-do.html