Kỳ cuối: Rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới
Căn cứ Bản án hình sự sơ thẩm số 157/2024/HS-ST ngày 11/4/2024 của TAND TPHCM, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB) và các tổ chức có liên quan (Giai đoạn 1), xác định Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập khống 916 hồ sơ vay vốn, rút tiền của Ngân hàng SCB và chiếm đoạt hơn 415.666 tỉ đồng.
Chu Lập Cơ (chồng Trương Mỹ Lan) đồng phạm "rửa tiền"
Theo điều tra (Giai đoạn 2), để hợp thức, che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền chiếm đoạt được của Ngân hàng SCB và sử dụng cho các mục đích cá nhân, Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn VTP) đã chỉ đạo các bị can, như Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (thuộc Ngân hàng SCB) phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh (thuộc Tập đoàn VTP) chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền.
Việc rút tiền, chuyển tiền ra khỏi Ngân hàng SCB được thực hiện, như khi cần tiền để sử dụng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo một số chi nhánh của Ngân hàng SCB thực hiện rút tiền mặt trực tiếp hoặc chuyển vào tài khoản của các công ty "ma", cá nhân được chỉ định... Dưới sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, về thủ đoạn tạo lập các hợp đồng "khống" để chuyển tiền quốc tế, các đối tượng thuộc Tập đoàn VTP câu kết với các nhân viên Ngân hàng SCB chuyển tiền quốc tế, thông qua việc lập các hợp đồng "khống" mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, vay tiền, tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài. Các hợp đồng này đều là "khống" để hợp thức việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam. Pháp nhân chuyển tiền, nhận tiền là các công ty "ma". Về hành vi vận chuyển trái phép hơn 106.730 tỉ đồng qua biên giới, cho thấy có 21 công ty thuộc Tập đoàn VTP thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật.
Đối với hành vi "Rửa tiền", số tiền hơn 30.081 tỉ đồng từ nguồn "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của Trương Mỹ Lan và các đồng phạm, đã thực hiện qua việc phát hành 25 gói trái phiếu. Sau khi chiếm đoạt được số tiền này của các bị hại, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc và sử dụng bất hợp pháp số tiền chiếm đoạt được, để cắt đứt dòng tiền, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã sử dụng thủ đoạn rút tiền, chuyển tiền, trả nợ khoản vay, thanh toán thẻ tín dụng (Chuyên đề Công an TPHCM đã nêu ở loạt bài trước). Hành vi của Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã phạm vào tội "Rửa tiền" đối với số tiền hơn 30.081 tỉ đồng từ nguồn tiền do phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trương Mỹ Lan là đối tượng chủ mưu, cầm đầu tổ chức thực hiện cùng 33 bị can phạm tội, bị đề nghị truy tố tội "Rửa tiền" hơn 445.747 tỉ đồng, trong đó hơn 415.666 tỉ đồng do phạm tội tham ô tài sản của Ngân hàng SCB từ 916 khoản vay "khống" và hơn 30.081 tỉ đồng từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trương Mỹ Lan cũng là chủ mưu, cầm đầu vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 4,5 tỉ USD (hơn 106.730 tỉ đồng).
Trong vụ án Giai đoạn 2 này, bị cáo Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Tames Square, SN 1956, là chồng Trương Mỹ Lan) bị đề nghị truy tố về tội danh "Rửa tiền". Trước đây, Bản án hình sự sơ thẩm của TAND TPHCM (Giai đoạn 1) tuyên ngày 11/4/2024, Chu Lập Cơ lãnh án 9 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" (Chu Lập Cơ có kháng cáo). Theo điều tra Giai đoạn 2, Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên nộp tiền hơn 225 tỉ đồng vào thẻ tín dụng của Chu Lập Cơ. Trong đó, hơn 113 tỉ đồng có nguồn gốc lấy từ các khoản vay "khống" tại Ngân hàng SCB và hơn 81 tỉ đồng có từ các khoản vay đã được tất toán tại Ngân hàng SCB bởi các khoản vay "khống" khác. Bên cạnh đó, số tiền hơn 1,3 tỉ đồng có nguồn gốc từ tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong việc phát hành, bán trái phiếu Công ty An Đông, mà Trương Mỹ Lan chuyển cho chồng là Chu Lập Cơ. Qua điều tra, trong tổng số tiền hơn 225 tỉ đồng, Chu Lập Cơ đã sử dụng hơn 33,3 tỉ đồng. Chu Lập Cơ thừa nhận, biết vợ là Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo nhân viên thực hiện nộp tiền vào tài khoản mang tên Chu Lập Cơ để Cơ sử dụng thanh toán các hoạt động, dịch vụ. Hành vi của Chu Lập Cơ đã phạm vào tội "Rửa tiền", đối với số tiền hơn 33,3 tỉ đồng, xác định Cơ có vai trò đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan. Xét thấy, xuyên suốt vụ án từ Giai đoạn 1 đến Gai đoạn 2, bị can Chu Lập Cơ đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Phát hành trái phiếu cần chặt chẽ hơn
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị cáo buộc là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các bị can, đối tượng liên quan tại Tập đoàn và Ngân hàng SCB vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới. Các thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện, đáng lẽ bị hệ thống tự động khóa. Nhưng các đối tượng có thẩm quyền ở Ngân hàng SCB vẫn duyệt mở khóa trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế. Do đó, CQĐT kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và những cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chuyển tiền quốc tế, đảm bảo chặt chẽ về điều kiện chuyển tiền, có biện pháp kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chuyển tiền quốc tế.
Liên quan đến vụ án, CQĐT làm rõ việc bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các đối tượng thành lập nhiều "công ty ma" sử dụng cho các mục đích riêng. Tính đến tháng 10/2022, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tới 1.460 công ty (gồm 46 công ty nước ngoài) và gần 1.800 người để đứng tên doanh nghiệp, đứng tên các khoản vay. Cơ quan điều tra kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thành lập doanh nghiệp, đảm bảo chặt chẽ về điều kiện thành lập doanh nghiệp và biện pháp kiểm soát việc thành lập, quản lý doanh nghiệp, không để hiện tượng thành lập doanh nghiệp tràn lan nhưng không hoạt động thực tế, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng phục vụ cho những hoạt động phạm tội.
Theo kiến nghị của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ngoài 37 bị can đã khởi tố (có 3 cá nhân bị đình chỉ điều tra bị can, do đã chết), 34 bị can đề nghị truy tố (Giai đoạn 2), còn có một số cá nhân có hành vi, vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau; Có cá nhân hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm, đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo quy định.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy Ban chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm chặt chẽ về các điều kiện phát hành trái phiếu, có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn huy động và nguồn lực đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của các tổ chức phát hành. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực chuyển tiền quốc tế.
Phần kiến nghị của Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng nêu, đối với các công ty thuộc Tập đoàn VTP còn dư nợ trái phiếu có tài sản bảo đảm phối hợp với Công ty Chứng khoán TVSI và Ngân hàng SCB khẩn trương xây dựng giải pháp kinh tế tối ưu để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho các nhà đầu tư. Đề nghị Ủy Ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có biện pháp giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc trả nợ trái phiếu. Ngoài ra, từ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến các hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án, các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước và tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ có kiến nghị gửi các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan khắc phục và kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật phù hợp.