Kỳ cuối: Vụ mất tích bí ẩn của 'năm cậu bé ếch'
Trong số những vụ án sau hàng chục năm vẫn chưa tìm ra lời giải có trường hợp năm đứa trẻ ở Hàn Quốc rủ nhau lên núi chơi để rồi không bao giờ trở về. 11 năm sau hài cốt các em mới được phát hiện trong kỳ án 'Những cậu bé ếch' gây rúng động xứ kim chi.
Chuyến leo núi định mệnh
Hôm 26-03-1991, các trường ở TP.Daegu (Hàn Quốc) đóng cửa sớm để phục vụ công tác bầu cử, vì thế 5 cậu bé từ 9 - 13 tuổi của Trường tiểu học Seongseo, gồm: Jo Ho-yeon, Kim Yeong-gyu, Woo Cheol-won, Park Chan-in, Kim Jong-sik tranh thủ rủ nhau lên núi Waryong gần đó để tìm trứng kỳ nhông. Nhưng mãi đến lúc mặt trời xuống núi vẫn chẳng thấy một ai trong số 5 cậu bé trở về, các bậc phụ huynh lo lắng đổ xô đi tìm, nhưng tất cả vẫn bặt vô âm tín nên họ quyết định báo cảnh sát. Cuộc tìm kiếm trên diện rộng được lực lượng phối hợp tiến hành xuyên đêm nhưng vẫn chưa phát hiện được manh mối nào.
Do khu vực này được chiếu sáng vào ban đêm và tất cả 5 học sinh đều thông thuộc địa hình nên khả năng các bé đi lạc được loại trừ. Vụ 5 đứa trẻ mất tích gây chấn động vùng núi vốn yên tĩnh rồi lan ra toàn quốc, khiến Tổng thống Roh Tae-woo khi ấy phải chỉ đạo lực lượng điều tra vào cuộc.
Khu vực núi Waryong và xung quanh được gần 300 ngàn cảnh sát, quân đội cùng lực lượng hỗ trợ "cày đi xới lại" hàng trăm lần, cả triệu tờ rơi được phát ra cùng khoản tiền thưởng trị giá 35.000 USD dành cho người phát hiện manh mối giúp tìm thấy những đứa trẻ mang biệt danh "Những cậu bé ếch" (do truyền thông khi ấy đưa tin sai từ "săn trứng kỳ nhông" thành "lên núi bắt ếch", nên 5 cậu bé được gọi theo cụm từ này), nhưng vụ việc vẫn rơi vào ngõ cụt.
Không thể chờ đợi cơ quan pháp luật, 5 người bố của các bé bỏ việc, thuê xe tải nhỏ dán ảnh 5 đứa trẻ lên đường tìm kiếm, tập trung vào khu vực núi Waryong. Chắt lọc từ hàng loạt thông tin, các phụ huynh tự hỏi liệu vụ việc có liên quan đến trường bắn nằm ở chân núi, do vào đúng ngày 5 cậu bé mất tích có người nghe thấy tiếng súng gần đó. Nhưng chỉ huy của căn cứ này khẳng định hôm vụ việc xảy ra không có cuộc tập bắn nào do là ngày nghỉ lễ. Sự việc càng trở nên phức tạp khi 5 năm sau ngày những đứa trẻ mất tích, cha của 1 trong số 5 em bất ngờ bị cảnh sát điều tra, xuất phát từ nguồn tin ông này có hành tung bất minh vào đúng ngày bọn trẻ mất tích. Nhưng dù cảnh sát đã lật tung căn nhà của người đàn ông họ Kim ấy vẫn chẳng tìm được chút manh mối nào.
Những giả thuyết mong manh
11 năm sau vụ mất tích bí ẩn, hôm 26-9-2002 khi người dân địa phương phát hiện số quần áo cũ nằm rải rác giữa những tảng đá dọc con đường mòn lên núi, tiếp đó là các mảnh xương dưới ngôi mộ được chôn khá nông, kết quả giám định cho thấy tất cả là của 5 đứa trẻ mất tích năm ấy, cách ngôi làng các em ở khoảng 2km; đặc biệt trên hài cốt của 1 bé có chiếc quần dài vắt ngược qua vai trong khi tay áo buộc lại với nhau, bên trong chứa vài vỏ đạn rỗng.
Theo nhận định ban đầu của cơ quan điều tra, nguyên nhân tử vong có thể do bị hạ thân nhiệt, khi nhiệt độ thấp nhất ghi nhận vào thời điểm đó là 3 độ C, nhưng vì buổi sáng có mưa nên khả năng nhiệt độ tiếp tục giảm, bằng chứng là các mảnh xương được tìm thấy trong tình trạng tụm vào nhau, được cho là có thể trước đó các bé dựa vào nhau để sưởi ấm.
Nhưng nhận định này đã bị đội cứu hộ thuộc Liên đoàn leo núi Hàn Quốc bác bỏ, cho rằng theo kinh nghiệm, họ chắc chắn đây không phải trường hợp tử vong do hạ thân nhiệt, bởi nơi phát hiện các mảnh xương cách mặt đường chỉ vài chục mét, nếu không chịu nổi tiết trời lạnh giá, các bé có thể nhanh chóng quay về, chỉ mất vài phút là tới nhà. Ý kiến này càng được củng cố bởi các chuyên gia pháp y, do trong trường hợp tử vong một cách tự nhiên, xương sẽ nằm trên mặt đất; riêng lần này tất cả đều bị vùi dưới lớp đất nông, chứng tỏ các nạn nhân đã bị sát hại và phi tang xác một cách vội vã. Nhân viên pháp y còn tìm thấy hai lỗ đạn trên 1 hộp sọ và một số "vết cắt" trên các hộp sọ khác - vết thương do tác động ngoại lực. Ngoài ra, vệt rêu trong hộp sọ của những đứa trẻ dẫn đến nhiều khả năng chúng bị sát hại gần bờ sông, khiến nước tràn vào tích tụ trong cơ thể trước khi hung thủ đem đến chôn ở khu vực được tìm thấy.
Nhưng tất cả vẫn chỉ là suy đoán, vì cơ quan điều tra không tìm thấy chứng cứ buộc tội. Theo bố của Kim Yeong-gyu, có thể 1 trong số 5 đứa trẻ đã thiệt mạng do viên đạn vô tình bắn ra và những bé còn lại bị sát hại để bịt đầu mối.
Năm 2006, vụ án "Những cậu bé ếch" hết thời hiệu sau 15 năm, đồng nghĩa với việc cuộc điều tra phải dừng lại. Tuy nhiên, 9 năm sau Chính phủ Hàn Quốc đã xóa bỏ thời hiệu đối với hành vi giết người cấp độ một, và như thế Cảnh sát TP.Daegu sẽ thành lập lực lượng đặc nhiệm mới để xem xét vụ án từ đầu khi có bất kỳ thông tin mới nào nhận được.
Được biết vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày các nạn nhân mất tích, chính quyền TP. Daegu cho dựng đài tưởng niệm "Những cậu bé ếch" để cầu nguyện an toàn cho trẻ em với hy vọng sẽ không có bất cứ nỗi đau nào tương tự xảy ra. Vụ án "Những cậu bé ếch" cũng được đưa vào 2 bộ phim điện ảnh Come Back, Frog Boys (1992) và Children (2011).