Ký: Đầu súng trăng treo: 'Dấu' - Những câu chuyện chưa kể thời bom đạn
Dự án Ký: Đầu súng trăng treo công bố chuỗi series 'Dấu' gồm 5 câu chuyện đầy cảm xúc. Nội dung là những chia sẻ, câu chuyện đầy cảm xúc của cựu chiến binh và các bạn trẻ, nhằm khơi gợi tinh thần yêu nước, khắc ghi và tiếp nối truyền thống mà ông cha ta đã để lại.
Ký: Đầu súng trăng treo - là dự án truyền thông của nhóm sinh viên lớp Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa K42, khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Dự án nhằm gặp gỡ và tri ân cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh bằng những món quà tinh thần, đồng thời gợi lại tình yêu và niềm tự hào về lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay.
“Dấu” có thể được hiểu là dấu ấn - những gì còn đọng lại sâu sắc nhất trong tâm tưởng mỗi người về một thời chiến đấu oanh liệt của những người lính, là dấu bút còn dở dang trên trang nhật ký hành quân. Hay cũng chính là những dấu chân mà ông cha ta từng đi qua đã làm nên dấu tích hào hùng đầy tự hào qua biết bao năm tháng. Và đặc biệt hơn cả, “Dấu” còn là những dấu tích từ thời bom đạn mà ông ta còn lưu giữ lại.
“Dấu” được phát hành trong vòng 2 tuần bắt đầu từ ngày 24/4, lần lượt là các số: “Dấu ấn tuổi đôi mươi”, “Dấu son lịch sử”, “Khói lửa và mùa xuân”,“Chuyến xe giải phóng” và “Tiếng hát át tiếng bom”. Những câu chuyện được chia sẻ một cách chân thực, đầy cảm xúc từ những cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia kháng chiến và các bạn trẻ có đam mê tìm hiểu lịch sử nước nhà. Chuỗi series nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ từ mọi người, mỗi số thu hút về hơn 1000 lượt xem, 400 lượt yêu thích và 100 lượt bình luận.
Bạn Bảo Ngọc - người theo dõi các số trong series của “Dấu” chia sẻ: “Sau khi xem xong chuỗi series của Ký mình đã trang bị thêm cho mình những kiến thức và góc nhìn sâu sắc hơn về quá khứ trong thời kì dựng xây và bảo vệ đất nước. Ban Tổ chức đã rất linh hoạt và sáng tạo khi chọn cách truyền tải thông điệp qua các chia sẻ từ những thế hệ trực tiếp góp sức mình vào các chặng đường lịch sử hào hùng của đất nước ta. Điều này có giá trị to lớn trong việc tiếp tục phát huy lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ”.
Qua chuỗi series “Dấu”, Ban Tổ chức hy vọng rằng thế hệ trẻ ngày này sẽ thêm yêu và tự hào hơn về lịch sử nước nhà, khắc ghi và tiếp nối truyền thống mà ông cha ta để lại. Bên cạnh đó, 19/5 này chương trình chính mang tên “Hào khi ngày trở về” được tổ chức tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội nhằm tri ân cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ và người có công cho đất nước.