Kỳ điều hành 11/7/2023: Giá xăng dao động không đáng kể, giá dầu neo theo thế giới
Cũng như kỳ điều hành trước, ở kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập và không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, giá xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Giá xăng E5RON92 giảm 51 đồng/lít, ở mức không cao hơn 20.419 đồng/lít;
Giá xăng RON95-III tăng 69 đồng/lít, ở mức không cao hơn 21.497 đồng/lít;
Giá dầu diesel 0.05S tăng 447 đồng/lít, ở mức không cao hơn 18.616 đồng/lít;
Giá dầu hỏa tăng 394 đồng/lít, ở mức không cao hơn 18.320 đồng/lít;
Giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 665 đồng/kg, ở mức không cao hơn 15.288 đồng/kg.
Theo Liên Bộ, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 3/7/2023-11/7/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Việc Saudi Arabia và Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng mới, nâng tổng mức giảm của OPEC+ trong tháng 8 lên khoảng 5 triệu thùng/ngày, Mỹ và Trung Quốc công bố các số liệu kinh tế mới, sự gia tăng lo ngại về các đợt tăng lãi suất tiếp theo của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, Saudi Arabia cắt giảm sản lượng tự nguyện từ 10 triệu thùng/ngày xuống còn 9 triệu thùng/ngày, việc lo ngại tình hình chính trị ở Nga sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ…, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu có biến động tăng, giảm nhẹ đan xen, nhưng nhìn chung là tăng nhẹ.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 3/7/2023 và kỳ điều hành ngày 11/7/2023 là: 85,730 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 1,051 USD/thùng, tương đương giảm 1,21% so với kỳ trước); 91,685 USD/thùng xăng RON95 (tăng 0,089 USD/thùng, tương đương tăng 0,10% so với kỳ trước); 92,128 USD/thùng dầu hỏa (tăng 1,431 USD/thùng, tương đương tăng 1,58% so với kỳ trước); 93,990 USD/thùng dầu diesel (tăng 1,827 USD/thùng, tương đương tăng 1,98% so với kỳ trước); 454,173 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 24,389 USD/tấn, tương đương tăng 5,67% so với kỳ trước).
Mới nhất, trong phiên giao dịch sáng nay (11/7), giá xăng dầu thế giới đã tăng nhẹ trở lại khi giới đầu tư tập trung đánh giá những nỗ lực của Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, trong việc ngăn giá dầu thô giảm xuống sâu hơn nữa. Bên cạnh đó, giao dịch trên thị trường có phần trầm lắng khi giới đầu tư chờ đợi các dữ liệu kinh tế mới để đánh giá triển vọng nhu cầu cũng như giá xăng dầu thời gian tới.
Cụ thể, vào lúc 9h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 77,99 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 73,35 USD/thùng.
Theo dõi thị trường xăng dầu được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Các chuyên gia phân tích nhận định việc Saudi Arabia và Nga tiếp tục giảm thêm sản lượng khai thác trong tháng 8 tới đây sẽ khiến nguồn cung nhiên liệu giảm đáng kể, góp phần cân bằng thị trường khi nhu cầu sử dụng xăng dầu trên toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi.
Nếu tất cả các cam kết giảm sản lượng khai thác của 23 quốc gia thành viên liên minh OPEC+, bao gồm Saudi Arabia và Nga, được thực hiện nghiêm túc thì nguồn cung dầu thô toàn cầu sẽ giảm khoảng 5,16 triệu thùng/ngày tương đương hơn 5% tổng nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu trong nửa cuối năm nay.
Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới cũng đang được hỗ trợ nhờ việc đồng USD “hạ nhiệt” đáng kể trên thị trường tiền tệ. Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường sức mạnh của đồng USD với các loại tiền tệ chủ chốt khác trên thế giới, đã chạm mức thấp nhất trong 2 tháng trở lại đây. Đồng USD yếu sẽ giúp kích thích nhu cầu mua vào các loại nguyên liệu thô như dầu thô.