Kỳ diệu: Sản phụ bị thuyên tắc ối nguy kịch sống lại sau 2 lần 'chết hụt'
Bị ngưng tim kéo dài đến 2 lần sau khi bị thuyên tắc ối, sản phụ 34 tuổi tưởng chừng khó qua khỏi, nhưng không ngờ đã được cứu sống như một phép màu.
Ngày 18.1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho hay vừa kịp thời cứu sống thành công một sản phụ bị thuyên tắc ối nguy kịch sau 2 lần ngưng tim, tưởng chừng không qua khỏi.
Sản phụ là chị Đ.H.N (34 tuổi, ngụ tại Bình Dương) mang thai lần thứ 3, với thai kỳ hoàn toàn bình thường. Đến tuần thứ 40, chị N. nhập bệnh viện tại địa phương để sinh mổ lấy thai vì vết mổ cũ. Khi vừa sinh bé gái nặng 4,3kg, sản phụ đột ngột ngưng tim ngưng thở.
Mặc dù được ê kíp bác sĩ gây mê hồi sức tại đây cấp cứu thành công nhưng nhận thấy trường hợp này nhiều khả năng bị thuyên tắc ối nguy kịch, nên sản phụ được chuyển viện ngay đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
ThS-BS Giang Minh Nhật - Trưởng đơn vị Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết khi vừa tới khoa cấp cứu của bệnh viện, sản phụ tiếp tục ngưng tim lần 2, mất máu ồ ạt lượng lớn, với lượng máu mất ước tính khoảng 1 lít.
Các bác sĩ cấp cứu và sản khoa phối hợp hồi sức ngừng tim thành công, đưa bệnh nhân thực hiện các cận lâm sàng cần thiết để xác định chẩn đoán thuyên tắc ối và chuyển đến khoa hồi sức tim mạch trong vòng 30 phút kể từ khi nhập viện.
Lúc này sản phụ tụt huyết áp nặng, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, thở co kéo nhiều mặc dù đã được thông khí xâm lấn, siêu âm tim tại giường ghi nhận suy chức năng thất phải nặng, xuất huyết âm đạo đỏ tươi tiếp tục diễn tiến thêm 1 lít do đông máu nội mạch lan tỏa.
“Ê kíp chúng tôi gần chục bác sĩ, gồm bác sĩ hồi sức tim mạch và sản khoa đã phối hợp vừa phẫu thuật đặt VA-ECMO (oxy hóa máu màng ngoài cơ thể) nhằm ổn định choáng tim, vừa đặt bóng chèn tử cung để hạn chế băng huyết sau sinh. Ngoài ra, các chế phẩm máu (hồng cầu lắng, tiểu cầu và các yếu tố đông máu) được truyền liên tục và dự trù tình huống phải thuyên tắc động mạch tử cung, thậm chí cắt tử cung nếu băng huyết sau sinh khó kiểm soát”, bác sĩ Nhật cho biết.
Tuy nhiên, khi vừa ổn định choáng tim do suy chức năng thất phải với VA-ECMO, người bệnh bị sang giai đoạn phù phổi cấp trong diễn tiến bệnh sinh của thuyên tắc ối. Các bác sĩ hồi sức tim mạch phải hết sức tỉ mỉ và thận trọng để có thể hồi sức bệnh nhân trong tình trạng vừa choáng tim, vừa phù phổi cấp, choáng mất máu và đông máu nội mạch lan tỏa.
“Chúng tôi phải truyền cho bệnh nhân tổng cộng 10 đơn vị hồng cầu lắng (3.500ml máu), 2.200ml huyết tương tươi, 500ml kết tủa lạnh và 3 khối tiểu cầu. Sau 12 giờ hồi sức với các phương tiện chuyên sâu, bệnh nhân hồi phục tri giác hoàn toàn, ổn định sinh hiệu, hô hấp, rối loạn đông máu hồi phục và rút nội khí quản thành công, sản phụ được bảo toàn tử cung. Sau 48 giờ, tình trạng choáng tim được hồi phục và sau 72 giờ bệnh nhân được cai máy VA-ECMO và xuất viện sau đó 1 tuần”, bác sĩ Nhật thông tin.
TS-BS Bùi Chí Thương - Trưởng khối sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa nghiêm trọng, xảy ra khi dịch ối và các thành phần của nhau thai đi vào tuần hoàn mẹ. Thuyên tắc ối đặc trưng bởi 3 triệu chứng điển hình gồm: tụt huyết áp, suy hô hấp giảm oxy máu và đông máu nội mạch lan tỏa. “Qua 24 năm hành nghề bác sĩ, tôi gặp 4 ca thuyên tắc ối, và cả 4 ca này đều tử vong. Thuyên tắc ối đang là nỗi ám ảnh đối với bác sĩ sản khoa, bởi tỷ lệ tử vong của căn bệnh này ở các nước phát triển lên tới 70%”, bác sĩ Thương cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thương, đây là căn bệnh diễn ra bất ngờ, không thể biết trước lúc nào, nên không thể dự phòng được. Chỉ khi nào có biến cố xảy ra, và biết nhận diện sớm thì có thể cứu sống. "Điều này đúng với câu nói của người xưa “chửa đẻ - cửa mả”, bác sĩ Thương nói.