Kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản

Chiều 28/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Các ĐBQH tham dự phiên thảo luận tại hội trường

Các ĐBQH tham dự phiên thảo luận tại hội trường

Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010).

Phát biểu tại hội trường, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí với dự thảo luật và cho rằng đã có các quy định mới như: quy định về điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản); công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng;...

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường

Phát biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo luật này, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ tán thành với hồ sơ dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Đồng thời đại biểu cho biết, tại trang 230 Phụ lục kèm theo Báo cáo dự kiến tiếp thu giải trình, có đề cập đến việc tiếp thu và bổ sung nội dung khái niệm về Công viên địa chất vào Điều 3 của Dự thảo Luật, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một chức năng với cụm từ là “giáo dục” vào giữa cụm từ “bảo tồn” và “nghiên cứu” để đảm bảo đầy đủ ý nghĩa, chức năng của công viên địa chất, phù hợp với khái niệm của UNESCO. Theo đó, đề nghị sửa thành: “Công viên địa chất là một khu vực có giới hạn xác định, có các di sản địa chất, độc đáo về văn hóa, sinh thái và khảo cổ học; có diện tích phù hợp để thực hiện các chức năng quản lý, bảo tồn, giáo dục, nghiên cứu và phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường”.

Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về việc công nhận, xếp hạng công viên địa chất, di sản địa chất, di chỉ địa chất các cấp như: cấp tỉnh, cấp quốc gia. Vì đại biểu cho rằng, tại khoản 7 Điều 3 Dự thảo Luật này, quy định: Di sản địa chất là tập hợp một hoặc nhiều di chỉ địa chất được công nhận, xếp hạng. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại chưa có quy định nào đề cập đến công tác công nhận và xếp hạng công viên địa chất, di sản địa chất các cấp.

Riêng về nội dung di sản địa chất, cơ quan soạn thảo có đưa ra tại báo cáo là: việc công nhận, xếp hạng Di sản địa chất, thực hiện theo điểm c Điều 20 Luật Bảo vệ Môi trường. Qua đối chiếu, so sánh thấy rằng nội hàm của hai khái niệm còn có sự khác nhau. Do vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung một quy định cụ thể, rõ ràng về việc công nhận, xếp hạng công viên địa chất, di sản địa chất, di chỉ địa chất tạo sự thống nhất, đồng bộ và thuận lợi trong quá trình triển khai luật trong thực tiễn, giảm sự tranh luận, do suy diễn nhiều cách hiểu khác nhau.

THANH HUYỀN -VP.ĐOÀN ĐBQH&HĐND tỉnh

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ky-hop-7-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-dong-gop-y-kien-vao-du-thao-luat-dia-chat-va-khoang-5013189.html