Kỳ họp bất thường của Quốc hội góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn
Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, sáng 14/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp bất thường lần thứ 2 mặc dù diễn ra trong 4 ngày vào thời điểm ngay sau Tết Dương lịch và kỳ họp bất thường lần thứ 3 diễn ra trong 0,5 ngày sát Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những kết quả đạt được rất quan trọng. Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 luật, 3 nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.
Về dự thảo Báo cáo tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định thành công của 2 kỳ họp bất thường tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước, sự nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của cử tri và nhân dân.
Việc quyết định tổ chức kỳ họp bất thường thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, xuyên suốt, kịp thời của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, khẩn trương của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội.
Kỳ họp bất thường nhận được sự theo dõi, giám sát và chia sẻ của cử tri, nhân dân cả nước cùng với sự tham gia, đưa tin kịp thời, chính xác của các cơ quan thông tấn, báo chí.
Từ nhận định nêu trên, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã nêu bật một số kết quả chủ yếu của 2 kỳ họp.
Cụ thể, thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đây lànội dung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền khám bệnh, chữa bệnh của người dân, công tác quản lý, sự phát triển trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nên đã được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện tại 3 kỳ họp. Việc Quốc hội thông qua Luật sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng; phát triển dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, hội nhập với quốc tế; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...
Thứ hai, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung lớn, mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ và được xây dựng lần đầu theo quy định của Luật Quy hoạch nên đã được Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để thảo luận.
Sau khi xem xét, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã xác định rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch.
Đây là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
Thứ ba, Quốc hội đã xem xét, thảo luận kỹ lưỡng và thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ 1/1/2023 đến 31/12/2024 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới; xử lý được tình trạng tồn đọng trong việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hiện nay.
Thứ tư, một số vấn đề về tài chính, ngân sách là nội dung cần trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 4 nhưng do chưa kịp hoàn thiện hồ sơ, tài liệu theo quy định, nên đã được kịp thời xem xét, quyết định tại kỳ họp này để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện từ đầu năm 2023.
Sau khi xem xét, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 nhằm xử lý những vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Thứ năm, về công tác nhân sự, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội; phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội đã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Công tác nhân sự tại 2 kỳ họp được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.
Đánh giá về một số nội dung khác, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay chương trình kỳ họp được bố trí khoa học, đúng quy trình, thủ tục; việc điều chỉnh chương trình được thực hiện kịp thời. Kỳ họp bất thường lần thứ 3 mặc dù được triệu tập trong thời gian ngắn, nhưng đã được triển khai nhanh, quy trình chặt chẽ, thận trọng.
Công tác điều hành của chủ tọa linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, phát huy được tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, các vị đại biểu Quốc hội. Các cơ quan hữu quan nâng cao trách nhiệm, làm việc tận tụy, tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội.
Công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, phong phú, nhiều chiều, chất lượng, phản ánh khách quan, toàn diện, sát diễn biến kỳ họp. Công tác tham mưu, phục vụ kỳ họp chuyên nghiệp, góp phần tạo nên thành công của kỳ họp./.