Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 16-1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chính phủ trình Quốc hội Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 6 điều quy định về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành. Trong đó, nội dung cơ bản của 8 cơ chế đặc thù được quy định tại Điều 4. Về điều khoản thi hành, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 18-1-2024 cho đến khi có quy định mới. Cơ chế, chính sách quy định tại Khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết để điều chỉnh dự toán, kế hoạch vốn hàng năm không áp dụng đối với quản lý, sử dụng nguồn vốn nước ngoài. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để tháo gỡ một cách triệt để các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.
Đối với tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến phân bổ cho 5 ngành, lĩnh vực: quốc phòng; an ninh; quản lý nhà nước; khoa học - công nghệ và giao thông; bố trí 50 nhiệm vụ, dự án, trong đó có 9 dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đến nay, trong tổng số 50 nhiệm vụ, dự án nêu trên, có 33 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Có 17 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, hồ sơ đề nghị phân cấp làm cơ quan chủ quản theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28-11-2023 của Quốc hội.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết; nhất trí với bố cục và nhiều nội dung của dự thảo. Nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá, phân tích tương đối kỹ, đồng thời tiếp tục làm rõ thêm về tên gọi, về các nội dung, cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình như về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương cần làm rõ hơn, trường hợp nào là thật cần thiết; về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước kế hoạch đầu tư vốn hàng năm; về ban hành quy trình thủ tục, tiêu chí mẫu, hồ sơ; về sử dụng ngân sách trong trường hợp giao chủ dự án; về quản lý sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ sản xuất; về ủy thác vốn tự cân đối ngân sách địa phương với qua ngân hàng chính sách xã hội… Các đại biểu đề nghị với Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kiến nghị của đoàn giám sát về các vướng mắc, khó khăn để ban hành theo thẩm quyền hoặc tiếp tục đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những văn bản để tháo gỡ khó khăn một cách triệt để hơn những vấn đề còn thiếu hoặc còn vướng mắc.
Về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn…
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về danh mục các dự án, nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện phân bổ, các biện pháp để quản lý, sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, đảm bảo cân đối vốn để hoàn thành các mục tiêu đề ra.