Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV: Rút ngắn thời gian, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật

Sau 6,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Chia sẻ quan điểm bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong điều kiện đặc biệt, chịu áp lực về thời gian, song các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp này có nhiều vấn đề mới, đúng và trúng, ngắn gọn, dễ hiểu, theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có ý nghĩa rất quan trọng. Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đồng thời, thông qua 6 nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Theo đại biểu, đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đổi mới công tác xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.

Kỳ họp cũng khẳng định tính kịp thời, khách quan, đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước. Những quyết sách được đưa ra đã trúng và đúng với yêu cầu thực tiễn, không chần chừ, do dự mà khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc và điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước.

Trong những thời điểm lịch sử trọng đại, cần có những quyết định mang tính đột phá để tạo động lực phát triển mạnh mẽ. Những luật, nghị quyết được thông qua trong Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9 không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt pháp lý mà còn là nền tảng vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Nhiều ý kiến của các đại biểu đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội trong xây dựng pháp luật. Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có nhiều nội dung quan trọng, không chỉ là kỳ họp để giải quyết các vấn đề theo quy định của Hiến pháp. Kỳ họp này còn tạo tiền đề, đánh dấu một giai đoạn mới, bước chuyển mình của dân tộc; đánh dấu mạnh mẽ chuyển biến về xây dựng pháp luật, điều hành kinh tế-xã hội, cho đến bộ máy Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai), quy trình thủ tục, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là "luật làm ra luật", làm ra thể chế, muốn tháo gỡ được thể chế, muốn khơi thông được điểm nghẽn của thế chế thì phải sửa nội dung làm ra thể chế. "Chúng ta đang thay đổi chủ trương, đang thay đổi phương pháp cần tiếp cận đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư đó là luật mang tính định hướng chung, kiến tạo và không quy định quá chi tiết cụ thể, không thuộc chức năng của Quốc hội", đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) đánh giá, Kỳ họp diễn ra khẩn trương nghiêm túc, hiệu quả; xem xét và thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết rất quan trọng liên quan tới cơ cấu tổ chức hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương. Các chủ trương đầu tư cơ chế chính sách đặc thù nhằm phát triển giao thông, điện hạt nhân, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… từ đó tạo động lực tăng tốc phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới mà trước mắt là đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cầm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cầm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo đại biểu tỉnh Tiền Giang, mặc dù thời gian của kỳ họp không dài nhưng các nội dung quan trọng đều được cho ý kiến kỹ lưỡng tại các buổi thảo luận tại tổ và thảo luận trên hội trường. Để có được kết quả như vậy là nhờ sự quyết liệt khẩn trương, tâm huyết, chuẩn bị các văn bản trình tại kỳ họp của Chính phủ và các Bộ, sự đồng hành tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra của Quốc hội nên thời gian ngắn và gấp nhưng đã có những bản báo cáo thẩm tra sâu sắc và bao quát. Một điều quan trọng không thể thiếu đó là những ý kiến đóng góp rất tâm huyết và trách nhiệm mang tính xây dựng của các đại biểu Quốc hội dựa trên thực tiễn, tính khoa học và đặc biệt là bám sát sự chỉ đạo của đảng trong tham gia vào các vấn đề quan trọng vì sự việc phát triển của quốc gia dân tộc, vì lợi ích của nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, với một thời gian ngắn, nhưng các đại biểu tập trung rất cao, thảo luận rất nhiều vấn đề, rất thỏa đáng. Với chủ trương "phân cấp, ủy quyền, phân quyền" rất mạnh, nhiều ý kiến cho rằng, điều này sẽ tạo ra bước đột phá mới, tháo gỡ những "điểm nghẽn," "nút thắt" trong thể chế và đặc biệt điểm nghẽn của thể chế ở góc độ thẩm quyền của các cơ quan, trước đây chưa phân quyền mạnh, thì nay phân quyền, ủy quyền, phân cấp rất mạnh.

Qua nhiều nội dung quan trọng được thông qua với tỷ lệ tán thành cao, các đại biểu Quốc hội tin rằng sau Kỳ họp này, những khó khăn về cơ chế, thể chế được tháo gỡ thì năm 2025 sẽ là năm bứt phá, để góp phần vào hoàn thành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Nghị quyết XIII của Đảng và cũng là kết quả để hướng tới Đại hội XIV thành công tốt đẹp.

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ky-hop-bat-thuong-lan-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-rut-ngan-thoi-gian-doi-moi-tu-duy-xay-dung-phap-luat-20250219151439772.htm