Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Thảo luận trực tuyến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật và dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Ngày 10/1, tiếp tục ngày làm việc thứ 4, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận trực tuyến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành ánh dân sự và dự thảo Nghị quyết chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Các đại biểu dự phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu của tỉnh.

Các đại biểu dự phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu của tỉnh.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, tán thành các nội dung trong dự thảo luật và báo cáo thẩm tra trình tại kỳ họp. Khẳng định dự án luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến việc sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 75, Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở).

Liên quan đến việc sửa đổi Luật Điện lực, các đại biểu cho rằng, để thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó cho phép khối tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết. Tuy nhiên, thể chế hóa như thế nào cho đúng và phù hợp với thực tế là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước...

Thảo luận về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu tán thành sự cần thiết đầu tư dự án nhằm cụ thể hóa Kết luận số 11-KL/TW của Hội nghị T.Ư khóa XIII, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó xác định "đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông".

Về triển khai dự án, các đại biểu nêu: Đây là tuyến đường chiến lược, vì vậy, Quốc hội cần áp dụng cơ chế đặc thù để phục hồi, phát triển kinh tế như: Chỉ định thầu, thiết kế, giải phóng mặt bằng, thi công, như vậy mới sớm hoàn thành 5.000 km đường cao tốc theo quy hoạch. Nếu không có cơ chế đặc thù thì phải làm nhanh thủ tục trong năm 2022, giải phóng mặt bằng đến đâu, làm đến đó; như vậy mới bảo đảm tiến độ. Về nguồn lực đầu tư, việc Chính phủ đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công là có cơ sở. Trường hợp dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đặc biệt là khả năng gây hiệu ứng lấn át khi tăng trưởng quá mức đầu tư công và nợ công đối với nền kinh tế.

Đ.H

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/50/161593/ky-hop-bat-thuong-lan-thu-nhat,-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-truc-tuyenluat-sua-doi,-bo-sung-mot-so-dieu-cua8-luat-va-du-thao-nghi-quyet-phe-duyet-chu-truong-dau-tu-du-an-duong-bo-cao-toc-bac-nam.htm