Kỳ họp chuyên đề của HĐND TP Hà Nội xem xét, quyết định 4 nhóm vấn đề quan trọng

HĐND TP Hà Nội xem xét, quyết định 4 nhóm vấn đề, trong đó: thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính; xem xét các NQ triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Sáng ngày 29/4, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 22 - kỳ họp chuyên đề để xem xét 22 nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền, trong đó có quyết nghị về chủ trương việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

 Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: hanoimoi.vn.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: hanoimoi.vn.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân thành phố để kịp thời xem xét một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp thiết thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố. Đây là kỳ họp chuyên đề có khối lượng công việc lớn, dự kiến diễn ra trong 1 ngày, với 4 nhóm vấn đề rất quan trọng:

Thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, với 126 xã, phường

Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục xem xét Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố để gửi Bộ Nội vụ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đề án đã được chuẩn bị nghiêm túc, khẩn trương; bám sát các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc, định hướng của Trung ương, của thành phố và đảm bảo các bước quy trình theo quy định.

Với 100% đại biểu tán thành, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội.

Theo nghị quyết, sau khi sắp xếp, Hà Nội sẽ còn 126 xã, phường, giảm 400 xã, phường so với hiện nay.

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội đã tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định. Theo đó, Ban Pháp chế thống nhất cao với nội dung phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố trình.

Về kết quả lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về tên gọi, số lượng xã phường tại Hà Nội, Ban này cho biết Ủy ban nhân dân thành phố đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thực hiện đúng các quy định về thực hiện lấy ý kiến cử tri theo hướng dẫn.

Qua lấy ý kiến người dân, phương án sắp xếp trên của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đạt hơn 2 triệu số phiếu đồng ý, tỉ lệ 97,36%. Ý kiến cử tri hộ gia đình về tên gọi dự kiến đơn vị sau sắp xếp đạt gần 2 triệu phiếu đồng ý, tỉ lệ 96,28%; có 38 xã đạt tỉ lệ 100%.

Tuy nhiên vẫn còn 2,41% số cử tri đại diện hộ gia đình không đồng ý với phương án về tên gọi của đơn vị hành chính sau sáp nhập (đơn vị có tỉ lệ cử tri đồng ý thấp nhất về tên gọi: huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Thanh Trì đạt từ 82% đến dưới 93%).

Các đại biểu cũng đề nghị, thời gian tới, thành phố kiến nghị với Trung ương sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ phù hợp, để sau sắp xếp, đưa vào vận hành bộ máy hiệu quả, chất lượng, không gián đoạn.

 Đại biểu dự kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Ảnh: VGP/GH.

Đại biểu dự kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Ảnh: VGP/GH.

Xem xét các nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024

Tại kỳ họp chuyên đề thứ 19 và kỳ họp thường lệ thứ 20, Hội đồng nhân dân thành phố đã xem xét ban hành 18 nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô trong các lĩnh vực tổ chức bộ máy; phân cấp, ủy quyền; cơ chế, chính sách và các quy định bảo vệ và phát triển Thủ đô.

Để khẩn trương cụ thể hóa các quy định của Luật, tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục xem xét các nghị quyết, gồm: quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường; danh mục bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản, công trình kiến trúc; quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động các khu công nghệ cao, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Đây là các nhóm chính sách mới, quan trọng, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm. Trong quá trình chuẩn bị, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đã chỉ đạo các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để chuẩn bị nội dung và triển khai các bước thẩm tra đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả và đúng quy định. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cũng đã tổ chức phản biện xã hội đối với một số nội dung quan trọng, có tác động sâu rộng, làm cơ sở để Hội đồng nhân dân thành phố thảo luận, quyết nghị đảm bảo các chính sách được ban hành đạt hiệu quả thiết thực.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã nhất trí thông qua Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội (Thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô).

Theo đó, mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này cao hơn mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm k khoản 1 Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung tại điểm k khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm là mức áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân...

Theo Nghị quyết được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

Đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Điều 5 Nghị quyết này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này.

Cụ thể, mức tiền phạt: Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này cao hơn mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm k khoản 1 Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung tại điểm k khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này là mức tiền áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nguyên tắc áp dụng về thẩm quyền xử phạt: Các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị quyết này. Trường hợp Chính phủ có điều chỉnh quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Các hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt: Áp dụng mức tiền phạt theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.

Xem xét và quyết nghị chuyên đề về tài chính, ngân sách, đầu tư công, đất đai, quy hoạch

Cũng tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố xem xét và quyết nghị chuyên đề về tài chính, ngân sách, đầu tư công, đất đai, quy hoạch, trong đó có các nội dung quan trọng như: Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công; quyết định chủ trương đầu tư 02 dự án giao thông rất quan trọng là: dự án Cầu Ngọc Hồi và dự án đường kết nối cầu Tứ Liên với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; thông qua danh mục các khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm theo Nghị quyết số 171 của Quốc hội; điều chỉnh, bổ sung danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xem xét Đồ án Quy hoạch xây dựng Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội.

Đây là những nghị quyết để kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn, khai thác tối đa các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo tiền đề quan trọng để Thủ đô phát triển bứt phá, đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Xem xét, quyết nghị các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ khác

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng xem xét, quyết nghị các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người có công; hỗ trợ các lực lượng làm công tác quản lý, phòng, chống ma túy; mức hỗ trợ để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trên địa bàn thành phố.

Mộc Hương (tổng hợp)

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ky-hop-chuyen-de-cua-hdnd-tp-ha-noi-xem-xet-quyet-dinh-4-nhom-van-de-quan-trong-post250977.gd