Kỳ họp có tính hành động cao
HĐND TPHCM sẽ thông qua tờ trình về bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Thủ Đức với tư cách 'thành phố trong thành phố'.
Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô dân số hơn 10 triệu dân nên đây cũng chính là thị trường đầu mối lưu thông lẫn tiêu thụ khổng lồ về lương thực, thực phẩm.
Do đó, trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98), một trong những nội dung thí điểm là chuyển tiếp mô hình thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (trong 6 năm qua) thành Sở An toàn thực phẩm, giải quyết nhu cầu cấp thiết của một đô thị đặc biệt như TPHCM.
Lần đầu tiên trên cả nước có một Sở An toàn thực phẩm, song không chỉ đơn thuần thành lập một sở mới như các sở khác. Trước khi thông qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ rõ: “Khi thành lập sở có giao một số chức năng, nhiệm vụ cụ thể, đan xen, khác với một số quy định hiện hành của luật, do đó phải nằm trong nghị quyết của Quốc hội”. Việc UBND TPHCM sớm có tờ trình về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm để thông qua tại kỳ họp thứ 11 HĐND TPHCM khóa X là bước đi kịp thời, cần thiết trong tiến trình cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 98.
Đây cũng là lần đầu tiên, HĐND TPHCM sẽ thông qua tờ trình về bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Thủ Đức với tư cách “thành phố trong thành phố”. Bản thân TP Thủ Đức cũng đã cho thấy những bước khởi động cụ thể từ Nghị quyết 98, trong đó có việc chuẩn bị cho quá trình chuyển giao các dự án vốn phải xin phép cấp sở (Kế hoạch và Đầu tư) nay trực tiếp thuộc thẩm quyền của TP Thủ Đức. Trong quá trình chuyển giao, chuyên viên từ sở sẽ được biệt phái để cùng TP Thủ Đức tháo gỡ mọi thủ tục pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Những hồ sơ đã đầy đủ pháp lý sẽ được TP Thủ Đức giải quyết ngay, không hỏi lại hay làm lại từ đầu - như cam kết của Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
Tại kỳ họp, các đại biểu dân cử cũng sẽ tập trung xem xét thông qua 79 dự án nhóm B, 7 dự án nhóm A, với tổng vốn đầu tư hơn 55.000 tỷ đồng. Trong đó, sẽ xem xét thông qua danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT…; mà đề xuất của Sở GTVT làm 5 tuyến đường theo cơ chế mới của Nghị quyết 98 là cụ thể hóa những cơ chế, chính sách đặc thù dành cho thành phố.
3 đầu việc lớn, quan trọng nêu trên được trình lên kỳ họp HĐND TPHCM diễn ra hôm nay vừa là bước khởi động của các nhóm nội dung - đầu việc từng cấp chính quyền, sở, ngành theo Nghị quyết 98, vừa là khởi đầu cho nhiệm vụ nặng nề, trách nhiệm lớn lao của HĐND TPHCM. Điều này cho thấy những chuẩn bị từ trước và ngay khi Nghị quyết 98 có hiệu lực đã và đang được triển khai trong thực tế. Đích thân đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã trực tiếp “đặt hàng” và có những cam kết thực thi mạnh mẽ. Điển hình là tại kỳ họp Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 lần 2 mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh đến sự quy tụ của các chuyên gia, trí thức trong việc hiến kế đề xuất để các nội dung của nghị quyết nhanh chóng được thực hiện. Và đó là một “quy trình” từ nhà khoa học dám tham mưu và lãnh đạo dám quyết, trên tinh thần của cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.
Hay tại diễn đàn của Hội đồng Hiệu trưởng diễn ra tuần qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ về cơ chế để thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của thành phố mà UBND TPHCM đã chuẩn bị các nội dung. Chủ tịch UBND TP kiêm Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học TP xác lập rõ một trong những trục động lực phát triển lớn nhất của TPHCM là phải dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp, nó đã trở thành truyền thống, là nội lực tự thân của thành phố này.
Nghị quyết 98 là nghị quyết của hành động, hành động của cơ chế, của sự điều hành từ chính quyền để chuyển đổi thành sức mạnh vận hành từ doanh nghiệp và năng lực xã hội nói chung. Do đó, kỳ họp HĐND TPHCM để xem xét, thông qua các nội dung quan trọng của Nghị quyết 98 cũng chính là kỳ họp có tính hành động cao, để nhanh chóng đưa các cơ chế đặc thù đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực. Với đà nỗ lực tăng tốc 3 tháng cuối năm, kỳ họp góp phần quan trọng vào quyết định chặng đua có về đích thắng lợi hay không.
Hôm nay, khai mạc kỳ họp 11 HĐND TPHCM khóa X
Hôm nay 19-9, HĐND TPHCM khóa X tổ chức kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề) và hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, sơ kết giữa nhiệm kỳ hoạt động HĐND khóa X nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại kỳ họp này, HĐND TPHCM xem xét các dự thảo nghị quyết kèm tờ trình của UBND TPHCM về những nội dung trọng tâm liên quan việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong đó, có các nội dung như: thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM; tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức quy định đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Bên cạnh đó, HĐND TPHCM cũng xem xét quyết định những nội dung về phát triển kinh tế - xã hội như: quy định mức chi triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” tại TPHCM; điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-hop-co-tinh-hanh-dong-cao-post706145.html