Kỳ họp lần thứ nhất của Ủy ban hỗn hợp về kinh tế Việt Nam - Canada
Ngày 6/7, tại Vancouver, British Columbia, Canada, đã diễn ra Kỳ họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp về kinh tế giữa Việt Nam và Canada, dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế Canada, ông David Morrison.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, kỳ họp được tổ chức với mục đích làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Canada, và được kỳ vọng sẽ góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương lên tầm cao mới. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tin tưởng rằng những nỗ lực của hai bên sẽ tăng phần ý nghĩa hơn, để kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác toàn diện (2017-2022) và hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Chia sẻ quan điểm trên, ông David Morrison đánh giá kỳ họp đầu tiên này đã mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương.
Ngay trước thềm Kỳ họp lần I đã diễn ra cuộc trao đổi giữa Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và bà Mary Ng – Bộ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế, Xúc tiến xuất khẩu, Doanh nghiệp nhỏ và Phát triển kinh tế của Canada. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá Canada là một thị trường quan trọng của Việt Nam tại khu vực Bắc Mỹ, cũng như châu Mỹ nói chung, và bày tỏ hy vọng hai bên có thể tận dụng được tiềm năng và lợi thế để tạo điều kiện cho hàng hóa mỗi nước thâm nhập vào thị trường của nhau và các thị trường khác trong khu vực. Bộ trưởng Mary Ng bày tỏ vui mừng và nhiệt liệt chào đón đoàn công tác của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam sang Canada, tham gia Kỳ họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp về kinh tế và các hoạt động thúc đẩy hợp tác, kết nối doanh nghiệp của hai nước, hiện thực hóa Biên bản hợp tác mà Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Các vấn đề toàn cầu (GAC) đã ký ngày 11/1/2022. Ủy ban sẽ là cơ chế thiết thực để hai bên có những đối thoại cụ thể, cùng tìm ra giải pháp tăng cường hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Tại Kỳ họp lần I của Ủy ban hỗn hợp về kinh tế Việt Nam - Canada, hai bên đã thảo luận những thách thức và cơ hội đối với thương mại và đầu tư song phương, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều bất ổn về kinh tế, chính trị, cũng như xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, chiến lược đa dạng hóa thị trường và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Thứ trưởng David Morrison nhấn mạnh Canada rất coi trọng Việt Nam - một đối tác lâu đời của “xứ sở lá phong”. Kể từ năm 2015 đến nay, Việt Nam giữ vững vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mối quan hệ thương mại song phương đã tiếp tục phát triển trong thời kỳ đại dịch COVID-19, với giá trị trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều đạt mức kỷ lục 10,5 tỷ CAD vào năm 2021.
Ông David Morrison khẳng định việc thành lập Ủy ban hỗn hợp về kinh tế thể hiện sự sẵn sàng của Ottawa trong việc tăng cường và đa dạng hóa các mối liên kết kinh tế với các đối tác chính ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Canada mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế với Việt Nam thông qua cơ chế mới này, phù hợp với cam kết của Ottawa về tăng cường sự tham gia của Canada ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tầm nhìn chung của hai nước về khu vực này, với trung tâm là ASEAN.
Hai bên ghi nhận sức tăng trưởng mạnh trong trao đổi thương mại và đầu tư song phương kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào hiệu lực, bất chấp những tác động của đại dịch toàn cầu. Trao đổi thương mại hàng hóa giữa hai nước đã tăng hơn 60% kể từ khi hiệp định này bắt đầu được triển khai vào năm 2019. Hiệp định đã tạo cơ hội lớn cho các sản phẩm của Canada tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và thủy sản. Khả năng tiếp cận của Việt Nam với thị trường Canada cũng tăng lên, với minh chứng là Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa có giá trị kỷ lục 9,8 tỷ CAD sang Canada vào năm 2021.
Tuy nhiên, hợp tác song phương về thương mại-đầu tư được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước và cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới. Việt Nam và Canada nhất trí cùng nỗ lực để đa dạng hóa và mở rộng thương mại bằng cách tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thúc đẩy dòng đầu tư giữa hai bên.
Theo thỏa thuận hợp tác thành lập Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, các kỳ họp sẽ được tổ chức luân phiên 2 năm một lần. Tuy nhiên, xét thấy mức độ cần thiết của việc thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước trong bối cảnh hiện nay, hai bên đã thống nhất tổ chức Kỳ họp lần II vào năm 2023 tại Việt Nam.