Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra trong 11 ngày

Dự kiến, Kỳ họp thứ 11 sẽ tiến hành họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24-3-2021, bế mạc vào ngày 7-4-2021 và dự phòng 01 ngày (8-4-2021). Tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 11 ngày.

Ngày 23-2, tiếp tục Phiên họp thứ 53, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV, sau khi nghe Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo về nội dung này.

Dự kiến, Kỳ họp thứ 11 sẽ tiến hành họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24-3-2021, bế mạc vào ngày 7-4-2021 và dự phòng 01 ngày (8-4-2021). Tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 11 ngày, trong đó bố trí 2,5 ngày để xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 và 6,5 ngày xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác.

Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Đồng thời, nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV (ảnh: VPQH)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV (ảnh: VPQH)

Thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Xem xét, thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 (2,5 ngày).

Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tuy nhiên có dự phòng các phương án trong trường hợp dịch bệnh diễn biến quá xấu. Hiện, công tác chuẩn bị cho kỳ họp đang được các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương phối hợp hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Sau khi tiếp thu ý kiến tại phiên họp này, dự kiến chương trình kỳ họp sẽ được chỉnh lý và gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối tại phiên họp tháng 3-2021.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Ủy ban Thường vụ thống nhất khai mạc Kỳ họp thứ 11 vào ngày 24-3-2021. Kỳ họp này chủ yếu dành thời gian kiện toàn một số chức danh trong bộ máy Nhà nước. Vì đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, do vậy cần tăng cường công tác thông tin, truyên truyền; những phiên họp quan trọng sẽ tiến hành phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, theo quy định trước và sau mỗi kỳ họp sẽ tổ chức tiếp xúc cử tri nhưng theo thông lệ, Kỳ họp 11 sẽ không tổ chức. Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể các Đoàn Đại biểu Quốc hội có thể linh hoạt tổ chức để báo cáo, tổng kết hoạt động tới cử tri.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ công việc thực tế từ nay đến cuối nhiệm kỳ, cần chuẩn bị chu đáo để khi bàn giao, bảo đảm công việc được tiếp nối, không có sự gián đoạn./.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-hop-thu-11-quoc-hoi-khoa-xiv-du-kien-dien-ra-trong-11-ngay-228990.html