Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX: Thảo luận sôi nổi tại hội trường

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 11/7, kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX diễn ra phiên thảo luận tại hội trường về tình hình KT-XH và dự thảo các nghị quyết trình kỳ họp.

Các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Thảo luận tại hội trường đã có 36 nội dung ý kiến đăng ký phát biểu, trong đó có 22 đại biểu tham luận trực tiếp. Đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh thay mặt chủ tọa kỳ họp điều hành phiên thảo luận.

 Các đồng chí chủ tọa kỳ họp.

Các đồng chí chủ tọa kỳ họp.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; xử lý tài sản công dôi dư

Nhìn chung các đại biểu nhất trí cao với báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2024. Ngoài phân tích, làm rõ thêm những kết quả nổi bật, các đại biểu cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Đại biểu Vũ Tấn Cường, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa cho biết: Mặc dù 6 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI của tỉnh đứng thứ 8 cả nước nhưng số doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới giảm so với cùng kỳ (giảm 5,4%), giải thể tăng 10,6%, tạm ngừng hoạt động tăng 13,1%.

 Đại biểu Vũ Tấn Cường, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa nêu ý kiến.

Đại biểu Vũ Tấn Cường, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa nêu ý kiến.

Do đó, cần phân tích đánh giá kỹ hơn số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng thuộc ngành nghề nào, nguyên nhân… để đưa ra những giải pháp phù hợp. Cùng đó đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo mục tiêu đã đăng ký.

Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, các đại biểu đánh giá cao việc ngay từ những tháng đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản và đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt để chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, tổng giá trị giải ngân mới đạt hơn 1,8 nghìn tỷ đồng, bằng 21,2%, thấp hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm 2023.

 Các đại biểu dự kỳ họp.

Các đại biểu dự kỳ họp.

Để hoàn thành giải ngân nguồn vốn đã giao cho các dự án đầu tư công, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia trong năm 2024, một số ý kiến cho rằng cần tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển KT- XH, ngành, lĩnh vực, địa phương.

Làm rõ hơn nội dung này, đại biểu Bùi Thị Thu Thủy, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, như vướng mắc thủ tục, nhất là các thủ tục về cấp phép chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất; nhiều chính sách pháp luật mới hoặc được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa có hoặc mới có hướng dẫn như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu...

 Đại biểu Bùi Thị Thu Thủy làm rõ thêm ý kiến thảo luận của các đại biểu về giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu Bùi Thị Thu Thủy làm rõ thêm ý kiến thảo luận của các đại biểu về giải ngân vốn đầu tư công.

Các dự án năm nay phần lớn là dự án chuyển tiếp nên phần mặt bằng còn lại rất khó giải phóng do người dân chưa đồng thuận. Mặt khác, một bộ phận người dân trông chờ chính sách mới của Luật Đất đai 2024 dẫn đến diện tích đất được giao chưa thi công được.

Khắc phục tình trạng này, các huyện, thị xã, TP cần tập trung cao để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đối với các dự án đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao. Cùng đó, giải quyết tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc cần chủ động trao đổi, làm việc với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh để được tháo gỡ.

 Đại biểu Tạ Quang Khải nêu ý kiến thảo luận.

Đại biểu Tạ Quang Khải nêu ý kiến thảo luận.

Đại biểu Tạ Quang Khải, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Yên Dũng nêu: Qua giám sát của HĐND tỉnh về công tác quản lý sử dụng tài sản công là nhà đất cho thấy còn nhiều hạn chế, bất cập, đó là: Nhiều nhà đất công đang không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích. Việc xử lý, sắp xếp các cơ sở nhà đất dôi dư còn chậm, gây lãng phí nguồn lực, tài sản của nhà nước. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với các cơ sở nhà đất đạt thấp…

Đại biểu đề nghị, trên cơ sở Nghị quyết về kết quả giám sát tài sản công là nhà đất được HĐND thông qua, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND cấp huyện tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục những hạn chế.

 Các đại biểu dự kỳ họp.

Các đại biểu dự kỳ họp.

Làm rõ thêm nội dung này, đại biểu Nguyễn Đình Hiếu, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Việt Yên, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Hiện nay, tổng số tài sản công là nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, TP và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh là 6.145 cơ sở nhà đất. Cơ bản các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao quản lý, sử dụng nhà đất đã khai thác, sử dụng đúng mục đích, công năng, đúng mục tiêu đầu tư, phục vụ hoạt động tại đơn vị và sự phát triển KT-XH của địa phương…

Tuy nhiên, hiện nay trong quản lý, sử dụng tài sản là nhà đất còn một số tồn tại, hạn chế, để sớm khắc phục, Sở Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Kết luận số 123-KL/BCSĐ ngày 25/9/2023 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu thầu mua sắm tài sản phục vụ hoạt động thường xuyên và quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

 Đại biểu Nguyễn Đình Hiếu làm rõ một số nội dung về công tác quản lý tài sản công.

Đại biểu Nguyễn Đình Hiếu làm rõ một số nội dung về công tác quản lý tài sản công.

Sở Tài chính sẽ tăng cường đôn đốc các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát các tài sản công không còn nhu cầu sử dụng đang bỏ trống lập phương án sắp xếp, xử lý theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt; chủ động phối hợp với cơ quan trung ương đóng trên địa bàn lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng để chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định.

Giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính

Thảo luận một số nội dung của dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh, đại biểu Phùng Thị Thu Hiền, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực TP Bắc Giang đề nghị bổ sung đối tượng là cán bộ bán chuyên trách cấp xã vì đối tượng này hiện nay đang hưởng phụ cấp do ngân sách cấp và khi tuyển dụng thực hiện theo quy định và hướng dẫn của tỉnh.

 Đại biểu Phùng Thị Thu Hiền nêu ý kiến thảo luận.

Đại biểu Phùng Thị Thu Hiền nêu ý kiến thảo luận.

Cũng liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính và chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính, đại biểu Vũ Mạnh Hùng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và phát triển đô thị, tổ chức lấy ý kiến cử tri với tỷ lệ tán thành cao. Đến nay hồ sơ, Đề án đã gửi Bộ Nội vụ thẩm định trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Khi Đề án được thông qua, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư tại TP Bắc Giang khoảng 100 người; số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư gần 300 người. Đại biểu đề nghị, ngoài chính sách do Trung ương quy định hiện hành, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, sớm ổn định tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở. Bởi đây là vấn đề quan trọng, được đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quan tâm.

 Đại biểu Vũ Mạnh Hùng làm rõ thêm ý kiến thảo luận về sắp xếp đơn vị hành chính.

Đại biểu Vũ Mạnh Hùng làm rõ thêm ý kiến thảo luận về sắp xếp đơn vị hành chính.

Nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, một số đại biểu nhận định, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện cũng đặt ra những khó khăn, vướng mắc chung như: Việc đặt tên xã sau sáp nhập vì hầu hết người dân muốn giữ tên truyền thống đã gắn bó lâu đời; việc lựa chọn trụ sở làm việc của đơn vị mới, cơ sở vật chất mới chưa đáp ứng nhu cầu làm việc của cán bộ, công chức; việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư...

Tháo gỡ những khó khăn trên, có ý kiến cho rằng các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương cần tích cực tuyên truyền để nhân dân hiểu việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho công tác quản lý và phát triển KT-XH tại địa phương.

 Quang cảnh kỳ họp.

Quang cảnh kỳ họp.

Từ thực tế theo dõi, khảo sát, nắm bắt tình hình các địa phương, đơn vị, đại biểu Đặng Hồng Chiến, đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa nêu một số vấn đề cần quan tâm, đó là: Một bộ phận cán bộ, công chức tại các đơn vị dự kiến sáp nhập có biểu hiện lơ là, thiếu tích cực trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Việc nhập các đơn vị hành chính, vấn đề nảy sinh tất yếu là phải sắp xếp lại bộ máy cán bộ công chức. Do vậy cần được thực hiện hết sức khách quan, công khai, minh bạch; đặc biệt là cần tuyệt đối tránh để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong quá trình lựa chọn, sắp xếp, bố trí...

 Đại biểu Dương Công Định nêu ý kiến thảo luận.

Đại biểu Dương Công Định nêu ý kiến thảo luận.

Thực hiện hiệu quả định hướng, phân luồng học sinh

Đề cập đến nội dung nâng cao hiệu quả công tác định hướng, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, đại biểu Dương Công Định, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Nam nhìn nhận: Thực tế hiện nay trong xã hội vẫn còn tâm lý nặng nề về bằng cấp, nhiều phụ huynh học sinh bằng mọi giá phải cho con em mình học lên THPT, thi vào Đại học. Tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường không tìm được việc làm; nhiều người quay lại học nghề và lập nghiệp từ việc học nghề, gây ra sự lãng phí lớn cho gia đình và xã hội.

Thảo luận giải pháp về phát triển quy mô trường lớp học thuộc bậc học THPT trên địa bàn tỉnh, có đại biểu kiến nghị: UBND tỉnh xem xét, nghiên cứu, phát triển, mở rộng quy mô trường lớp đối với các trường THPT nhất là các trường công lập ở khu vực trung tâm huyện, thị xã, TP; phấn đấu bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm đạt khoảng 80% số học sinh hoàn thành chương trình giáo dục THCS được vào học tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

 Đại biểu Tạ Việt Hùng phát biểu làm rõ ý kiến liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

Đại biểu Tạ Việt Hùng phát biểu làm rõ ý kiến liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

Trao đổi về những khó khăn của ngành, đại biểu Tạ Việt Hùng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong những năm qua, mặc dù được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư bằng nhiều chính sách, cơ chế và nguồn lực, tuy nhiên ngành giáo dục cũng còn gặp không ít những khó khăn về quy mô trường lớp do học sinh tăng rất nhanh, nhất là THCS, THPT tạo áp lực rất lớn về cơ sở vật chất. Cơ sở vật chất của các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu để thực hiện phân luồng học sinh…

Để khắc phục, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu tham mưu với tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, triển khai các hoạt động tư vấn học đường cho học sinh nhằm định hướng nghề nghiệp.

Ngoài các nội dung nêu trên, các đại biểu còn thảo luận một số nội dung về: Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác an toàn vệ sinh lao động; tài nguyên, khoáng sản, môi trường; an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ khu vực ven các khu công nghiệp, khu nhà trọ, nơi tập trung đông công nhân...

Sáng mai, (12/7), các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục làm việc tại hội trường, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng và tiến hành phiên bế mạc.

Báo Bắc Giang sẽ tiếp tục cập nhật hoạt động của kỳ họp.

Tin, ảnh: Nhóm PV Nội chính

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ky-hop-thu-18-hdnd-tinh-bac-giang-khoa-xix-thao-luan-soi-noi-tai-hoi-truong-163500.bbg