Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Khai thác tiềm năng lớn của vận tải đường sắt
Ngày 18/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về nội dung Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Trước đó, thảo luận ở tổ, đa số đại biểu thống nhất cần thiết sửa đổi Luật.
Ưu tiên cho đường sắt tốc độ cao
Nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới dự án đường sắt tốc độ cao.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, có được tuyến đường sắt tốc độ cao mới tận dụng được lợi thế của giao thông đường sắt trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Cảnh đề xuất trong dự án Chính phủ trình Quốc hội có một nội dung đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để Chính phủ có thể xây ít nhất 21 khu đô thị tại các ga đường sắt khi đường sắt đi qua, đồng thời xây ít nhất 21 trung tâm thương mại tại các ga này.
Theo đó, tiền thu được sau khi bán đất nền thổ cư của các khu đô thị, tiền cho thuê mặt bằng các trung tâm thương mại này sẽ dành đầu tư cho dự án, trong đó có trích một phần cho dự án đầu tư hạ tầng xã hội.
Khi dự án không phải vay vốn, chúng ta cũng sẽ chủ động trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp mà không phải phụ thuộc vào bất cứ nước nào – đại biểu Cảnh lí giải thêm.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nêu ý kiến: Chính sách phát triển đường sắt cần đưa ra lộ trình rõ ràng. Quốc hội cần quan tâm bố trí một khoản nhỏ trong gói 80.000 tỷ đầu tư trung hạn cho nghiên cứu khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, để sau năm 2020 có điều kiện triển khai dự án.
Bên cạnh đó, phải giữ cho được quỹ đất làm đường sắt cao tốc sau này. Đây là vấn đề nhức nhối khi quỹ đất của đường sắt hiện nay đang bị chia năm xẻ bảy bởi nhiều lý do.
Nhức nhối đường ngang dân sinh
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) nêu thực tế toàn mạng đường sắt có hơn 4.300 đường dân sinh chưa được cho phép nhưng đó lại là nhu cầu có thật của người dân.
Vì chưa được cho phép mở mà cứ mở, cứ đi lại nên không có cảnh giới, dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Theo đại biểu Hồng Hà, về trách nhiệm quản lý, cảnh giới, chốt gác tại các điểm có đường dân sinh cắt ngang phải giao trách nhiệm chính cho ngành GTVT và các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, còn địa phương chỉ là phối hợp.
Góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) đưa ra thực trạng có nhiều đoạn đường sắt, 1km có tới 10 - 15 đường ngang dân sinh. Đây là vấn đề nhức nhối và yêu cầu dự luật phải quy định chặt chẽ.
Đại biểu Nghĩa nêu ý kiến không nên cho mở đường ngang dân sinh mà mở đường gom, mỗi đường gom mở ra sẽ giảm được 20 đường ngang dân sinh và hạn chế tối đa các vụ tai nạn đường sắt.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, đây là một dự án Luật quan trọng được Quốc hội, nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của đường sắt bởi đây vốn là một phương thức vận tải hàng hóa và hành khách khối lượng lớn, hiệu quả, thân thiện với môi trường và rất nhiều tiềm năng để chúng ta khai thác.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo sẽ làm việc có trách nhiệm trong việc tiếp thu ý kiến, tạo sự đồng thuận cao trước khi trình Quốc hội và mong muốn dự án Luật sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sau.
Cũng trong ngày 18/11, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; thảo luận về Dự án Luật Du lịch (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.