Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa XVII: Đại biểu thảo luận, giải trình tại hội trường
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa XVII, các đại biểu tổ chức thảo luận tại hội trường; lãnh đạo các sở, ngành giải trình, làm rõ thêm các nội dung đại biểu quan tâm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thái Hà: Năm 2024, tỉnh rất quyết liệt trong chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai công tác đưa gia súc, ra khỏi gầm sàn nhà ở, tiến hành rà soát, thống kê cụ thể thực tế tại các địa phương và lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, do đó đã tạo động lực đáng kể so với năm 2023 nhưng kết quả công tác đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở đạt rất thấp so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 (7,6%). Nguyên nhân cơ bản: Do thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng đến xây dựng chuồng trại; kinh phí bố trí cho các huyện còn hạn chế, vướng mắc; phong tục tập quán của người dân thường đến cuối năm mới xây dựng chuồng trại...
Về kiến nghị của đại biểu ban hành chính sách hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận, chỉ đạo cơ quan chuyên môn sẽ đăng ký với UBND tỉnh để đề nghị với HĐND tỉnh cho phép nghiên cứu, ban hành NQ về cơ chế, chính sách đối với công tác phòng, chống dịch trên cây trồng.
Đến ngày 31/5, toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP, có tăng so với năm 2023 song chưa gắn với thương hiệu, thị trường, chưa tạo thành làng nghề, vùng sản xuất hàng hóa. Hiện Sở đang phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại các sản phẩm đạt OCOP 4 sao để tiếp tục có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao trong năm 2025, thúc đẩy đầu tư sản xuất, quảng bá và nhân rộng mô hình sản phẩm hoàn thiện, phát huy giá trị thương hiệu. Hướng tới thực hiện đạt mục tiêu chương trình OCOP của tỉnh đề ra, Sở sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện nguồn vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hỗ trợ các địa phương trong việc bồi dưỡng, hướng dẫn quy trình và lập hồ sơ thủ tục để được chứng nhận OCOP trong năm nay.
Giám đốc Sở Tài Chính Hà Ngọc Tú: Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, các huyện có nhiều xe công hết niên hạn, xe còn niên hạn thuộc diện thanh lý (xe chuyên dùng) nhiều nhưng việc thanh lý còn chậm. Sở đang rà soát số lượng xe tăng lên trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 72/2023/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, theo đó tăng lên khoảng 80 xe. Do vậy, những xe công không có niên hạn sử dụng, Sở đề xuất tạm thời các đơn vị chưa đưa vào thanh lý mà tiếp tục sửa chữa để sử dụng bởi kinh phí để sau này bố trí bổ sung thêm xe cho các đơn vị sẽ gặp khó khăn; còn những xe chuyên dùng, không quy định niên hạn sử dụng, Sở đang đôn đốc tiến hành thanh lý kịp thời theo hồ sơ đã đề xuất. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét theo khả năng cân đối của ngân sách địa phương, bố trí nguồn lực để bổ sung xe cho các đơn vị theo đúng tiêu chuẩn, định mức.
Giám đốc Sở Tài chính cũng giải trình, làm rõ một số nội dung về nguồn lực, mức chi của các dự thảo NQ liên quan đến lĩnh vực tài chính trình tại kỳ họp như: NQ quy định chính sách hỗ trợ nhân dân tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh; NQ quy định mức chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do Ủy ban MTTQ các cấp của tỉnh thực hiện; NQ quy định nội dung và mức hỗ trợ kinh phí tực hiện chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Thị Mỹ Hảo: Đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, cơ quan chuyên môn và các địa phương đều cố gắng thực hiện, hằng năm đạt chỉ tiêu đề ra nhưng chất lượng còn hạn chế. Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt chất lượng cao cần đầu tư vào cơ sở vật chất, giáo viên và học viên. Cả 3 yếu tố trên đối với tỉnh ta còn thiếu và yếu. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai các giải pháp căn cơ nhất khắc phục những khó khăn, vướng mắc đối với công tác này, tập trung nguồn lực nâng cao chất và lượng đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Trong đó, về cơ sở vật chất tiếp tục huy động từ các nguồn, tăng cường tuyển dụng tiếp nhận mới giáo viên dạy nghề, phối hợp với ngành giáo dục tổ chức phân luồng để tăng tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp tham gia học nghề tại tỉnh. Đối với các đơn vị chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), Sở phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên tuyền, tổ chức kiểm tra liên ngành và có biện pháp xử phạt mạnh và có thể khởi kiện đối với các đơn vị chậm đóng và trốn đóng, thu hồi tiền chậm đóng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT, trách nhiệm trong việc trích nộp BHXH, BHYT cho người lao động.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Chu Đức Quang: Trong quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt đối với xử lý rác thải tập trung, ngoài các bãi xử lý rác thải hiện có từ trước, theo quy hoạch có 17 cơ sở ở các huyện, Thành phố. Đến thời điểm này mới thực hiện tại các huyện: Bảo Lâm, Trùng Khánh, Nguyên Bình, đồng thời thực hiện Đề án xử lý phân loại tái chế tỉnh đã phê duyệt. Sở sẽ phối hợp triển khai tốt các DA này, tiếp tục tham mưu quy hoạch cụ thể, chi tiết hơn. Thời gian qua, Sở tham mưu và tỉnh cũng kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung lớn, tuy nhiên chưa được nhà đầu tư quan tâm.
Đối với các giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nhằm có hướng xử lý đối với các trụ sở sau sáp nhập và hoàn thành mục tiêu công tác bán đấu giá tài sản nhà đất, Sở đã báo cáo, đề xuất đưa vào kế hoạch đấu giá, trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo tỉnh họp, phân công cụ thể, chi tiết và có hạn định thực hiện.
Về tình trạng vật liệu xây dựng thông thường khan hiếm, Sở đã báo cáo nhiều lần tại các cuộc họp của tỉnh. Nguyên nhân tình trạng này do cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, việc hoạch định quy hoạch, chiến lược chưa sát thực tế nên các mỏ được quy hoạch, cấp phép hoạt động nhỏ, thời hạn ngắn, công suất thấp trong khi hiện nay nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình DA và nhu cầu trong dân ngày càng cao. Công tác quản lý nhà nước chưa tốt, cơ quan chuyên môn và các sở, ngành liên quan chưa tham mưu để thực sự xử lý chủ động, linh hoạt vấn đề khan hiếm. Đối với các doanh nghiệp khai thác vật liệu, chưa chủ động trong việc nộp hồ sơ gia hạn hoặc xin cấp lại đối với các mỏ sắp hết hạn hoặc xin phê duyệt bổ sung chiến lược. Bên cạnh đó, các trường hợp trúng đấu giá khai thác vật liệu tổ chức trúng đấu giá từ năm 2020, đến nay vẫn chưa lập xong hồ sơ để nộp về cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, cấp phép đưa mỏ vào hoạt động.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lê Văn Định: Trả lời ý kiến của cử tri đối với việc, thanh dầm chữ Y của cầu Nặm Nàng nằm trong công trình xây dựng trên Quốc lộ 34B ảnh hưởng đến người dân. Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở đã thành lập Hội đồng quản lý tài sản công, di chuyển thanh dầm chữ Y tại cầu Nặm Nàng để cất giữ ko gây ảnh hưởng đến người dân khi thi công xây dựng công trình. Về việc người dân đã tái chiếm, dựng hàng rào và canh tác tại các dự án giao thông, Sở phối hợp với huyện liên quan để có kế hoạch rà soát, bàn giao đất dôi dư lại theo hiện trạng, chỉnh lý hồ sơ đất sau đền bù và cắm mốc lộ giới tại các dự án đường tỉnh 205, 206, 207, 208; đối với đoạn đường từ Háng Chấu đi Nà Lòa (Quảng Hòa) hiện do huyện đang quản lý, Sở sẽ phối hợp với huyện để xây dựng phương án và thủ tục đầu tư; Dự án đường nối Quốc lộ 3 nối Quốc lộ 4, năm 2020 khởi động lại, qua thời gian thi công đến nay đang chậm tiến độ, Sở đã xin ý kiến Bộ để nâng cấp đầu tư cũng như đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án theo tiến độ được giao.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Lâm Thị Tú Anh: Đối với việc tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức cấp huyện, Sở tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các kỳ tuyển dụng, tiếp nhân công chức từ các nguồn. Năm 2023, tuyển dụng đạt 82% chỉ tiêu. Hiện Sở đang tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch tiếp nhận công chức từ viên chức và công chức cấp xã, dự kiến 50 chỉ tiêu để bổ sung nguồn nhân lực cho các cơ quan, đơn vị. Hiện nay đã phân cấp cho các địa phương, đơn vị về tuyển dụng viên chức cấp huyện (chủ yếu là viên chức y tế, giáo dục).
Việc sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sáp nhập là nội dung khó và cần thực hiện nhiều giải pháp và thời gian dài. Đến tháng 5/2024, các huyện còn dôi dư 89 cán bộ, công chức, thiếu 116 cán bộ, công chức. Sở đang tích cực phối hợp các địa phương điều động công chức dôi dư sang các huyện thiếu theo địa chỉ đã có. Xin chủ trương Thường trực Tỉnh ủy đối với các huyện thiếu được tuyển dụng công chức và bầu cử cán bộ theo quy định.
Năm 2023, các chỉ số CCHC của tỉnh có sự tiến bộ, nhưng vẫn còn rất thấp. Qua đánh giá 8 chỉ số thành phần tăng, nhưng chỉ số thành phần PAPI và SIPAP được thực hiện trên đánh giá điểm điều tra xã hội học (dựa trên cảm nhận, đánh giá của người dân, doanh nghiệp, đối tượng được lấy phiếu); chỉ số PAR INDEX bao gồm điểm thực hiện chuyên môn và điểm điều tra xã hội học, chính vì điểm điều tra xã hội học rất thấp (62/63) nên tổng số điểm các chỉ số cộng lại không cao.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Ngọc Thư: Hiện nay, đối tượng trẻ em thuộc nhóm nhà trẻ (từ 18 tháng đến dưới 36 tháng tuổi) đã huy động vào lớp học theo hệ nhà trẻ nhưng lại không thuộc đối tượng được hưởng chế độ chính sách tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 và Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 17/8/2021 của Chính phủ. Sở đã tham mưu UBND tỉnh có kiến nghị với Chính phủ xem xét, điều chỉnh bổ sung đối trẻ thuộc nhóm nhà trẻ được hưởng chế độ chính sách của 2 nghị định trên để huy động trẻ tối đa đến trường. Ngày 17/5/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2302/BGDĐT-KHTC về việc đánh giá tình hình thực hiện 2 nghị định trên. UBND tỉnh sẽ tiếp tục có ý kiến với Chính phủ để đẩy nhanh sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan.
Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần ổn định, thu hút viên chức, đảm bảo chất lượng, nâng số lượng xây dựng trường chuẩn quốc gia, Sở đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu về nguồn lực đầu tư cho giáo dục, căn cơ, lộ trình phân bổ kinh phí.
Việc giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không bị cấm nếu tuân thủ đúng theo các quy định tại Thông tư số 17-TT/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 24/7/2013 của UBND tỉnh ban hành quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ngày 4/2/2021. Các văn bản này quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất tại một số địa phương, qua đó, xác định có các trường hợp giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường (chủ yếu tại Thành phố); việc học thêm xuất phát từ nhu cầu thực tế, trên tình thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh với mục đích nâng cao chất lượng.
Qua nắm bắt thực tế, báo cáo, không có trường học thực hiện các khoản thu ngoài quy định Nghị quyết số 41/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh, không có hiện tượng thực hiện các khoản không tuân theo nguyên tắc tài chính. Một số khoản thu của trường theo hình thức xã hội hóa, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa hội phụ huynh học sinh với nhà trường, theo quy định của Thông tư 16/2028/TT-BGDĐT. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra và có báo cáo, thông tin cụ thể thêm đến cử tri kịp thời.
Một số vấn đề khác được đưa ra thảo luận sôi nổi, thẳng thắn như: Công tác quản lý rừng; tiến độ Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh; tình hình dịch bệnh vật nuôi, cây trồng và thiên tai; nguyên nhân, lý do quy hoạch 3 loại rừng không đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; các dự án giao thông do tỉnh làm chủ đầu tư, dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 205, 206, 207, 208; việc xét tuyển học sinh trái tuyến thuộc các cấp học, bậc học; tăng mức hỗ trợ trực đêm đối với nhân lực y tế; việc thiếu nhân viên y tế thôn bản; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên môn Tin học, Tiếng Anh...