Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XV: Tiến hành thảo luận tại tổ

Chiều 9/7, HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ để góp ý vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ số 1.

Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ số 1.

Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ số 1 (gồm đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Yên Mô và huyện Yên Khánh); đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ số 2 (gồm đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư); Tổ số 3 gồm đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan; Tổ 4 gồm đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Gia Viễn và huyện Kim Sơn.

Tại các tổ thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung đánh giá công tác chuẩn bị kỳ họp, hoạt động của HĐND và các vị đại biểu HĐND tỉnh. Theo đó, các đại biểu HĐND tỉnh đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh và các ngành trong công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp. Đặc biệt, kỳ họp thứ 22 là kỳ họp đầu tiên tài liệu được gửi sớm đã tạo điều kiện để đại biểu và các Ban của HĐND tỉnh có thời gian nghiên cứu, nâng cao chất lượng thẩm tra. Các báo cáo, dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, chất lượng được nâng lên.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ số 2.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ số 2.

Hoạt động của HĐND và các vị đại biểu HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới, khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh được tăng cường, nội dung giám sát đúng trọng tâm, được dư luận, cử tri quan tâm, đánh giá cao. Các vị đại biểu HĐND tỉnh tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri; thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình khi được cử tri và nhân dân tín nhiệm.

Góp ý vào Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, các đại biểu cho rằng báo cáo đã đánh giá sát, đúng, đầy đủ và toàn diện các lĩnh vực. Trong đó, khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực và toàn diện.

Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,19%, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng; sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá; sản xuất nông nghiệp được mùa; phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt nhiều kết quả tích cực; du lịch, dịch vụ phục hồi và phát triển nhanh. Văn hóa-xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của tỉnh Ninh Bình đạt 5,33 triệu đồng/tháng, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 6 khu vực đồng bằng sông Hồng…

Kết quả này đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đặc biệt là các quyết sách đúng đắn của HĐND tỉnh được thông qua tại các kỳ họp đã hỗ trợ kịp thời, quan trọng, tạo động lực rất lớn cho sự phát triển của tỉnh.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ số 3.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ số 3.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh bổ sung vào Báo cáo nội dung đánh giá tình hình kết quả giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia; tỷ lệ bao phủ BHYT, số người tham gia BHYT, BHXH bắt buộc, việc nợ, chậm đóng BHXH, rút BHXH; đánh giá tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề... Đồng thời, làm rõ hơn nguyên nhân và bổ sung thêm một số tồn tại, hạn chế: Kết quả thu từ đấu giá quyền sử dụng đất còn thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở một số nơi; các vụ việc phạm pháp hình sự còn ở mức cao; một số kiến nghị của cử tri còn để kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm…

Đại biểu cũng đề nghị cần nhận diện rõ những khó khăn, thách thức và triển khai các giải pháp căn cơ, phù hợp để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP của cả năm 2024 là từ 8% trở lên. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp; có giải pháp điều hành chi ngân sách phù hợp, vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn công tác thu ngân sách, nhất là thu từ đấu giá quyền sử dụng đất; tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn để phát triển hạ tầng về du lịch, công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa; quán triệt, triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và các văn bản có liên quan; thực hiện kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp hữu hiệu trong phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng; quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri đã kiến nghị nhiều lần.

Đề nghị UBND tỉnh quan tâm thực hiện tốt giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, phòng chống các hành vi bạo lực, xâm hại trong các cơ sở giáo dục; quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp và phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch; có giải pháp khuyến khích người dân tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên xây dựng các nhà máy nước sạch và xử lý rác thải…

Các đại biểu thảo luận tại Tổ số 4.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ số 4.

Góp ý vào các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành các nghị quyết, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các đại biểu cũng góp ý về thể thức văn bản, câu từ và một số nội dung nhằm đảm bảo chặt chẽ, logic, cơ sở pháp lý, tính khả thi cao, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Đối với Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng để cử tri, nhân dân, các cấp, các ngành cùng vào cuộc để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện và cán bộ công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đại biểu đề nghị cân nhắc việc quy định mức hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách để phù hợp với mức phụ cấp của các chính sách tương đương HĐND tỉnh đã ban hành và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Hồng Giang - Kiều Ân - Đức Lam

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-22-hdnd-tinh-khoa-xv-tien-hanh-thao-luan-tai-to/d2024070917543711.htm