Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15: Chỉ rõ những nút thắt, điểm nghẽn trong thực hiện Luật Quy hoạch

Tiếp tục kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, sáng nay, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu đã nghe Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành' và thảo luận tại hội trường về nội dung này. Báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu lên những kết quả đạt được, đặc biệt là nhận diện, chỉ rõ những nút thắt, điểm nghẽn trong thực hiện Luật Quy hoạch, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành

Các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đã được xây dựng và ban hành tạo hành lang pháp lý cần thiết để triển khai lập và tổ chức thực hiện quy hoạch. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh. Một số Bộ, ngành, địa phương đã có quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ nên đến nay, có 07/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 04 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi Luật Quy hoạch, như một số quy định còn có các cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất ở các cấp, các ngành về một số nội dung trong Luật. Hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng.

ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành

ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành

Tham gia góp ý, ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn Lâm Đồng tâm huyết: Công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng; việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Qua triển khai thực hiện cho thấy Luật Quy hoạch có nhiều nội dung mới, khó, phức tạp và còn nhiều ý kiến khác nhau. Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch. Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 7 luật, 1 pháp lệnh, 2 nghị quyết về quy hoạch... Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, đã có 41/110 quy hoạch được lập xong, đang xin ý kiến, thẩm định và trình phê duyệt, trong đó có 7 quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Quy hoạch vẫn còn chậm đưa vào cuộc sống, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngay sau khi bước vào nhiệm kỳ mới, Quốc hội khóa XV đã chọn vấn đề thực hiện Luật Quy hoạch là chuyên đề giám sát tối cao, ban hành Nghị quyết số 19/2021/QH15 ngày 27/7/2021 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Qua giám sát tối cao của Quốc hội và thực tiễn giám sát tại địa phương, tôi có một số ý kiến như sau:

Đối với việc triển khai rà soát các quy hoạch hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch: Chính phủ cần kịp thời ban hành văn bản tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác quản lý ngành, lĩnh vực sau khi bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa dịch vụ sản phẩm; hướng dẫn việc lấy ý kiến đối với phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh. Sớm phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch các vùng để làm cơ sở, định hướng xây dựng các phương án phát triển ngành trên địa bàn tỉnh.

Về các quy hoạch tỉnh: Đối với các nội dung thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đã tích hợp các quy hoạch như: Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030,... đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương nghiên cứu, phân cấp một số nội dung (như điều chỉnh cục bộ nội dung trong quy hoạch tỉnh...) nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai. Ví dụ như: Triển khai xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia...

Về quy định tài trợ quy hoạch: Đề nghị ban hành quy định cụ thể việc tiếp nhận tài trợ các sản phẩm quy hoạch và việc quản lý, sử dụng các quy hoạch được tài trợ nhằm đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội.

Về thẩm quyền phê duyệt: Đề nghị Chính phủ xem xét phân cấp cho UBND cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án đối với các quy hoạch xây dựng khu chức năng, do các khu chức năng đều đã xác định quy mô, định hướng và chỉ tiêu chủ yếu trong quy hoạch chung được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202205/ky-hop-thu-3-quoc-hoi-khoa-15-chi-ro-nhung-nut-that-diem-nghen-trong-thuc-hien-luat-quy-hoach-3118545/