Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Cần công khai quy trình vận hành, khai thác công trình thủy lợi

Ngày 8-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy lợi.

Ngày 8-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy lợi.

Vận hành công trình thủy lợi là điều kiện cơ bản

Theo báo cáo, hiện trạng thủy lợi nước ta với 904 hệ thống thủy lợi lớn và vừa; gần 7.000 hồ các loại; hơn 10.000 đập dâng, với hàng nghìn km đê biển.

Đối với quy định về quy trình vận hành công trình thủy lợi, đại biểu Dương Tuấn Quân nêu quan điểm: Dự án Luật đã quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm lập, điều chỉnh quy trình vận hành công trình thủy lợi của các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý nhưng cần bổ sung thêm một khoản quy định về quy trình vận hành công trình thủy lợi phải được công bố, công khai rộng rãi để người dân, người sử dụng dịch vụ thủy lợi và các bên liên quan có thể theo dõi, giám sát. Thời gian qua không ít vụ tai nạn thương tâm, gây thiệt hại về tài sản, mùa màng của người dân vùng hạ lưu liên quan đến quy trình xả lũ nhưng qua kiểm tra đều cho rằng, vận hành đúng quy trình dẫn đến người dân, cử tri bức xúc và nghi ngờ rằng vận hành có sai phạm trong quy trình vận hành công trình thủy lợi. Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định để bảo đảm quy trình vận hành công trình thủy lợi được an toàn, đạt hiệu quả cao, đồng thời giúp người nông dân biết rõ để điều tiết hoạt động cho phù hợp, tránh thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân trong khu vực thủy lợi.

Đại biểu Mai Thị Kim Nhung cho rằng, quy trình vận hành công trình thủy lợi là điều kiện cơ bản, tiên quyết để đưa vào khai thác công trình thủy lợi.

Đại biểu Mai Thị Kim Nhung cho rằng, quy trình vận hành công trình thủy lợi là điều kiện cơ bản, tiên quyết để đưa vào khai thác công trình thủy lợi.

Cùng ý kiến, đại biểu Mai Thị Kim Nhung khẳng định quy trình vận hành công trình thủy lợi là điều kiện cơ bản, tiên quyết để đưa vào khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn có một số công trình thủy lợi đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành vì vậy tại điểm d quy định đối với công trình thủy lợi đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm quy trình vận hành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt là quy định mở để xử lý các trường hợp cụ thể này. Nhưng khi Luật thủy lợi có hiệu lực, quy định như thế này sẽ dễ tạo ra sự lợi dụng khe hở của pháp luật để chây ì, đùn đẩy hoặc bỏ qua trong việc thực hiện xây dựng quy trình vận hành công trình thủy lợi. Đại biểu kiến nghị cần xem xét quy định lại điểm d khoản 2 điều này theo hướng ràng buộc trách nhiệm trong việc lập và thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi.

Từ trách nhiệm lập, thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi, theo đại biểu Nhung, tại quy định về quản lý công trình thủy lợi, ngoài những nhiệm vụ mà điều Luật đã nêu ra, cần bổ sung thêm nhiệm vụ giám sát vận hành công trình thủy lợi. Giám sát rất quan trọng đối với quy trình vận hành các công trình thủy lợi nhằm hạn chế sai phạm của các cơ quan chủ quản, tránh gây ra thiệt hại về tính mạng, tài sản cho nhân dân và cả công trình thủy lợi.

Thực tế trong thời gian qua có những trường hợp các chủ thể khai thác, vận hành các công trình thủy lợi biết hậu quả của việc vận hành không đúng quy trình nhưng vẫn cố ý vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Lấy một số ví dụ điển hình, đại biểu cho rằng để bảo đảm các chủ thể khai thác, vận hành các công trình thủy lợi vận hành đúng quy trình cần giám sát chặt chẽ việc vận hành từ phía cơ quan chủ quản đối với các công trình thủy lợi.

Đại biểu Nguyễn Thị Vân nêu quan điểm: Ban soạn thảo cần quy định các chế tài đối với chủ quản lý khi công trình xảy ra sự cố vì đã có những trường hợp xảy ra sự cố do sự thiếu trách nhiệm trong thời gian qua tại một số địa phương.

* Chiều 8-6, tại trụ sở T.Ư Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, khóa XIV. Nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội Việt Nam hiện có 132 trong tổng số 491 đại biểu là nữ, trong đó 32 nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số.

Thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018

Chiều 8-6, đại biểu Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Với 89% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Quốc hội quyết nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và đổi tên dự án Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi) thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp.

Đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Quốc hội quyết nghị tại kỳ họp thứ 5 trình Quốc hội thông qua 11 dự án gồm Luật Hành chính công; Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Những dự án luật chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 mà Quốc hội quyết định sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 5 (nếu có).

Cũng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 9 dự án gồm Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo Nghị quyết, tại kỳ họp thứ 6 trình Quốc hội thông qua 10 dự án gồm: Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Cảnh sát biển; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Những dự án luật chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 mà Quốc hội quyết định sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6 (nếu có). Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội cho ý kiến 3 dự án Luật Công an xã; Luật Kiến trúc; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Thu Thủy – CTV

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_167343_ky-ho-p-thu-3-quo-c-ho-i-kho-a-xiv-ca-n-cong-khai-.aspx