Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Chất vấn về 'Tam nông'
Chiều nay 7/6, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV bắt đầu thực hiện phiên chất vấn, dự kiến tổ chức trong thời gian 2,5 ngày.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội, các vị bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát hiện thực khách quan, lắng nghe hơi thở của cuộc sống để có một phiên chất vấn, trả lời chất vấn sôi nổi, thực chất, mang tính xây dựng và hiệu quả cao nhất; tiết kiệm và sử dụng tối đa thời gian kỳ họp dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Lĩnh vực nông ngiệp, nông dân, nông thôn được mở đầu cho phiên chất vấn của Quốc hội. Có 53 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan về các vấn đề: quản lý giá phân bón, xử lý tình trạng phân bón giả, kém chất lượng; xử lý vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía bắc; xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; quy hoạch vùng chuyên canh phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng được mùa mất giá; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là vùng dân tộc, miền núi; giải pháp đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp đột phá để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở nông thôn;…
Đã xác lập con đường phát triển, vấn đề còn lại là cách thức vận hành
Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, một lần nữa vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đưa vào nghị trường tại Kỳ họp thứ 3 và phiên chất vấn hôm nay, ngay sau khi Hội nghị Trung ương V, khóa XIII vừa thảo luận chuyên đề về tam nông. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Như vậy, về mặt vĩ mô, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác lập con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn phía trước với những bước đi cụ thể, phù hợp trong từng giai đoạn, vấn đề còn lại là cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị vì nông nghiệp có tính liên ngành cao, xuyên suốt, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Chính sách vĩ mô được hoạch định từ cấp trung ương nhưng tổ chức thực hiện lại bắt đầu từ cấp cơ sở. Điều đó cần đến sự phối hợp theo tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Đó là yếu tố quyết định cho sự thành công.
Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phiên chất vấn hôm nay không chỉ dừng lại là câu hỏi và trả lời, chất vấn và giải trình còn là dịp để bộ lắng nghe, ghi nhận, phát hiện thêm những vấn đề đã tồn tại từ lâu và cả những vấn đề mới phát sinh từ thực tế cuộc sống sinh động và vận động không ngừng.
Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.
Về giá nguyên liệu đầu vào cao, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này liên quan tới thị trường, quản lý doanh nghiệp, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu… Khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân.
Tuy nhiên, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên. Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt một mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định…
Đẩy mạnh liên kết, chia sẻ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Trả lời đại biểu về giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ. Do đó, ngoài việc tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nước với nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Bày tỏ đồng tình với quan điểm của đại biểu trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái tạo ra giá trị xây dựng, chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: đây cũng là hướng tiếp cận, chiến lược mà bộ đang định hướng triển khai.
Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Về vấn đề sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả, tăng sử dụng phân bón hữu cơ Bộ trưởng cho biết, vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc "bốn đúng" gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản. Nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm. Đồng thời, cần đẩy mạnh tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp.
Về "điệp khúc được mùa mất giá" đến bao giờ khắc phục được? Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh điều hành trong nền kinh tế thị trường, chiến lược thì từ trên xuống dưới, tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên do đó cần có sự phối hợp nhịp nhàng. Bên cạnh công tác quản lý của bộ thì rất cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Sự năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.
Phải làm tốt thương hiệu trong nước tạo bệ đỡ đưa nông sản ra nước ngoài
Về xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng cho biết, để đưa một mặt hàng nông sản đến một kệ hàng của siêu thị tại nước ngoài thì chi phí logistic và chi phí thị trường chiếm tỉ trọng cao. Do đó chưa thể quá háo hức. Điều quan trọng là giá cao đó có phân bổ lại được cho người nông dân hay không.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn trước tiên phải làm tốt thương hiệu trong nước, niềm tin nông sản trong nước bệ đỡ để đưa nông sản Việt ra nước ngoài.
Về chế biến nông sản, Bộ trưởng cho biết, thực tế một số ngành của nước ta chế biến rất tốt gần như 100%, thậm chí không đủ nguyên liệu trong nước để chế biến như ngành thủy sản, chế biến gỗ, cao su. Lĩnh vực khó khăn nhất và rủi ro nhất trong chế biến nông sản là trái cây, nhưng thời gian qua nhiều doanh nghiệp tham gia và thành công.
Theo Bộ trưởng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản thì chất lượng nông sản phải tốt và sản lượng nông sản ổn định. Do đó địa phương cần phải chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo an tâm có đủ nguyên liệu sản xuất bởi doanh nghiệp sợ về đó mà nông dân không bán cho doanh nghiệp. Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát ngồi với nông dân và doanh nghiệp để tạo niềm tin thị trường trước.
Thực hiện Nghị định 67/2014 còn một số bất cập, chưa lường trước được
Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc phát triển ngành thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành thủy sản có số lượng ngư dân lớn nhưng gần như không có một tổ chức quy củ nào, còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản bền vững với định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Theo Bộ trưởng, trữ lượng và ngư trường đang dần thu hẹp, cơ sở hạ tầng nghề cá còn chưa được đầu tư xứng đáng, Bộ đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp để nâng cao hiệu quả trong việc phát triển ngành này.
Về việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Bộ trưởng cho rằng, trong triển khai thực hiện Nghị định này còn một số bất cập, chưa lường trước được hết các tình huống xảy ra, chưa chú ý tới cách vận hành hệ thống để thực thi chương trình lớn và có ý nghĩa. Theo Bộ trưởng cần phải đánh giá nhiều chiều, tổ chức lại ngành hàng, huấn luyện đội tàu, ngư dân, hệ thống quản lý thủy sản ở các địa phương, nâng cao hiệu quả khâu thẩm định bình xét đối tượng ngư dân được tham gia, hưởng lợi ích từ chương trình…
Đẩy mạnh chương trình khuyến nông, đào tạo lao động nông nghiệp
Trả lời đại biểu về giải pháp trong thời gian tới giúp đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ trong lao động nông nghiệp? Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, muốn tăng năng suất nông nghiệp chúng ta cần phải giúp người nông dân nâng cao kỹ năng của mình. Cũng giống như các nước, họ coi nông nghiệp là một nghề, cho nên lao động nông nghiệp cần phải được đào tạo. Vấn đề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp có nhiều góc độ, có những cấp độ cao phải đào tạo cán bộ ngành, cán bộ chủ chốt. Hiện bộ đang đẩy mạnh Chương trình khuyến nông quốc gia.
Xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, tránh "buôn chuyến"
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề bất ổn thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thông qua các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Tham tán thương mại nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với các bộ đã xây dựng 3 thị trường lớn và đề án riêng cho từng loại thị trường, trong đó có thị trường Hoa Kỳ, thị trường EU và thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng, mỗi loại thị trường có chuẩn mực, tiềm năng và có quy định rào cản của thị trường. Do vậy cần xây dựng đề án riêng tránh tình trạng "đi buôn chuyến" để có chương trình xúc tiến bài bản tiếp cận thị trường với số đông doanh nghiệp tham gia hơn. Từ những loại thị trường đó sẽ chuẩn hóa các vùng nguyên liệu để đáp ứng được từng loại thị trường. Kỳ vọng với đề án này các doanh nghiệp Việt Nam trong từng loại thị trường sẽ kết nối với nhau. Như vậy, nhìn vào lăng kính thị trường để điều chỉnh lại tổ chức sản xuất phù hợp từng loại thị trường, từng mùa vụ, từng vùng nguyên liệu cụ thể.