Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XV: Đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ

Ngày 8/12, Kỳ họp thứ 4, HĐND khóa XV bước sang ngày làm việc thứ 2. Trong ngày, các đại biểu dành nhiều thời gian để thảo luận tại tổ về các báo cáo và các tờ trình. Dự thảo luận tại các tổ có các đồng chí: Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh.

Đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

Đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

Thảo luận tại tổ về các báo cáo trình tại kỳ họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung, cho rằng các báo cáo đã đánh giá tương đối đầy đủ, khách quan kết quả thực hiện, sát với tình hình thực tế. Các đại biểu cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị cho kỳ họp được thực hiện bài bản, công phu, nghiêm túc; đại biểu được sớm tiếp cận với các dự thảo, báo cáo, do vậy có nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận.

Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, các đại biểu nhất trí đánh giá: trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, song Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quyết liệt, rõ việc, tạo được sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao hơn của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, đã cơ bản thực hiện được "mục tiêu kép" vừa chống dịch hiệu quả, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại được tập trung chỉ đạo. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững. Kết quả phát triển kinh tế- xã hội tiếp tục tạo niềm tin trong nhân dân về cấp ủy, chính quyền các cấp.

Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư lớn; trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ cấu nguồn thu ngân sách…

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2022, bên cạnh mục tiêu, nhiệm vụ được đề cập trong dự thảo, các đại biểu đề nghị cần có giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong cải cách hành chính, giải quyết điểm nghẽn, thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số PCI; làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch chung, quy hoạch đô thị; quan tâm quy hoạch, phát triển kinh tế biển; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; triển khai có hiệu quả chủ đề công tác năm 2022 của Tỉnh ủy…

Một số đại biểu đề nghị trong quy hoạch đô thị nên xem xét có quy hoạch và xây dựng cụm tượng đài ghi lại chiến công của quân, dân Ninh Bình trong kháng chiến chống Pháp, góp phần tri ân các thế hệ cha anh, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Về dự thảo các báo cáo, tờ trình, đề án trình tại kỳ họp, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với các vấn đề, lĩnh vực được đề cập trong các dự thảo. Đồng thời khẳng định đây là những vấn đề xuất phát từ thực tiễn, từ yêu cầu của sự phát triển, của công tác quản lý Nhà nước và từ nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Trong đó nhiều dự thảo Nghị quyết khi được thông qua sẽ có tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân.

Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ.

Theo đó, nhiều đại biểu cũng đánh giá cao các Nghị quyết, tờ trình có ý nghĩa an sinh xã hội như: quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và hỗ trợ một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa được quy định tại Nghị định số 20 ngày 15/3/2021 của Chính phủ; Quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm Sars-CoV-2 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; quy định về điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu để được đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quy định về một số chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao và người phục vụ huấn luyện viên, vận động viên thể thao của tỉnh Ninh Bình.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về mức hỗ trợ cho các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ cho huấn luyện viên, vận động viên thể thao của tỉnh. Đồng thời đề nghị nên cân nhắc điều chỉnh mức hỗ trợ cho các đối tượng bảo đảm khả năng nguồn ngân sách cũng như phù hợp với tình hình thực tế.

Các đại biểu cũng tham gia góp ý cụ thể về các tờ trình liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách. Trong đó, góp ý vào dự thảo Tờ trình về việc thông qua Danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022, đại biểu đề nghị cần xem xét rõ vấn đề về thẩm quyền, chủ trương quy hoạch đối với đất rừng đặc dụng.

Đối với Tờ trình về việc đề nghị phê duyệt Đề án số 16 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025, đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ về đối tượng, quy mô, ngành nghề đặc thù của từng HTX để quy định mức hỗ trợ cụ thể, nhất là hỗ trợ về chuyển đổi số.

Ngoài ra, trong phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu góp ý về thể thức văn bản, về căn cứ pháp lý, hiệu lực thi hành, đề nghị sửa đổi tên một số Nghị quyết và một số nội dung khác.

Mai Lan - Thái Học - Đức Lam

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-4-hdnd-tinh-khoa-xv-dai-bieu-hdnd-tinh-tien-hanh/d2021120815105442.htm