Kỳ họp thứ 4, Hội đồng Lý luận Trung ương: Bàn luận vận dụng nhiều vấn đề lý luận - thực tiễn về phương thức lãnh đạo của Đảng, Nhà nước pháp quyền và CNH-HĐH đất nước
Ngày 20/7, tại Vĩnh Phúc, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức kỳ họp thứ 4, nhiệm kỳ 2021-2026.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, các thành viên, chuyên gia tư vấn cấp cao của Hội đồng Lý luận Trung ương. Về phía tỉnh Vĩnh Phúc, có các đồng chí: Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tại kỳ họp thứ 4, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 và thảo luận, đóng góp ý kiến vào 3 dự thảo báo cáo tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương phục vụ Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XIII, gồm: “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”; “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ trương, chính sách CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 4 có nhiệm vụ quan trọng nhằm khảo sát thực tiễn để đóng góp hoàn thiện các văn kiện trình lên Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XIII.
Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào 3 dự thảo báo cáo tư vấn của Hội đồng, trong đó, tập trung cập nhật diễn biến tình hình trong nước, quốc tế, xu thế bối cảnh tác động đến sự phát triển đất nước; quan tâm tới vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng những luận cứ khẳng định thành tựu của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội; những vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị đã được chỉ ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo, đồng thời, nhấn mạnh, bổ sung một số kết quả nổi bật qua gần 15 năm thực hiện Nghị quyết; phân tích, làm rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, giải pháp chủ yếu để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị thời gian tới...
Nhiều ý kiến khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của phương thức lãnh đạo của Đảng với tính chất là biểu hiện tập trung nhất của vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, vì thế, cần tập trung đổi mới đồng bộ các nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là đổi mới phương thức hoạch định đường lối, ra nghị quyết, tổ chức thực hiện các nghị quyết và phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua công tác tổ chức, cán bộ...
Về dự thảo báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo, đồng thời, bổ sung một số kết quả nổi bật về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua 35 năm đổi mới; phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dự báo bối cảnh mới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Các đại biểu nhất trí kiến nghị về xây dựng Nghị quyết Trung ương mới “Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Về dự thảo báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ trương, chính sách CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo, đồng thời bổ sung một số kết quả nổi bật; phân tích. làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong thực hiện CNH, HĐH qua 35 năm đổi mới; dự báo tình hình sắp tới, bổ sung một số nội dung, quan điểm chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định: Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, nhất là sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã và đang phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, đổi mới với quyết tâm cao, sự nỗ lực không ngừng, từ một tỉnh nghèo, thuần nông đã vươn lên trở thành một tỉnh phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo định hướng CNH, HĐH và phù hợp với lợi thế, tiềm năng của tỉnh...
6 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực phát triển KT-XH của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định, ước tăng 10,1%; thu NSNN trên địa bàn ước đạt trên 20.650 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt trên 17.700 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021...
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; dịch Covid-19 được kiểm soát, sức khỏe nhân dân được đảm bảo; an ninh chính trị ổn định, QP-AN, TTATXH được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên...
Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh: Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội XIII của Đảng đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Các nghị quyết, chủ trương của Tỉnh ủy đều được nghiên cứu, bàn bạc dân chủ, thảo luận kỹ, thống nhất cao trước khi ban hành và tổ chức thực hiện, đảm bảo phù hợp, sát thực tiễn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định công tác cán bộ, nhất là việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm được coi là bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh trong năm 2021 và công tác kiểm tra, giám sát là đột phá trong năm 2022...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn luôn được Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, như công tác nghiên cứu khoa học, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học...
Qua đó, làm sáng tỏ thêm về lý luận và thực tiễn, tạo cơ sở để Tỉnh ủy đề ra chủ trương, định hướng sát thực; HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo QP-AN và hoạt động đối ngoại của tỉnh...
Kỳ họp thứ 4, Hội đồng Lý luận Trung ương được tổ chức tại Vĩnh Phúc lần này là dịp để lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà lý luận, nhà khoa học đối với những vấn đề quan trọng về CNH, HĐH; những vấn đề tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị để vận dụng vào điều kiện thực tế của tỉnh...
Bên cạnh các ý kiến thảo luận trực tiếp tại hội trường, nhiều đại biểu đã gửi ý kiến góp ý bằng văn bản cho Thường trực Hội đồng liên quan đến những nội dung của kỳ họp; các ý kiến đóng góp thể hiện tinh thần trách nhiệm của các đại biểu, đồng thời là cơ sở quan trọng để Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương bổ sung, hoàn thiện các báo cáo tư vấn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm kịp thời phục vụ Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII.