Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự
Chiều 9-10, với 444 trong tổng số 447 đại biểu có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 89,16% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Đây là dự án luật đầu tiên của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Tiếp đó, thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự, đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến. Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, trí tuệ, khách quan, thẳng thắn và có rất nhiều thông tin từ kinh nghiệm, từ thực tiễn sinh động, sâu sắc và toàn vẹn, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các đại biểu đối với nội dung dự án luật. Bộ trưởng Quốc phòng đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm và sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Các ĐBQH cơ bản tán thành với nội dung tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - an ninh về dự án luật; cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh và những nội dung cơ bản dự thảo luật như đề nghị của Chính phủ. Trong đó có nhiều vấn đề đã được ĐBQH xem xét, đánh giá, phân tích và đề nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo luật.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Tổng thư ký Quốc hội báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận của đại biểu gửi đến các vị đại biểu theo dõi, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5-2023 theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.
Lâm Viên (tổng hợp)