Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Quyết liệt bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân của công dân

Ngày 4-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Vì sao đối tượng lừa đảo có đầy đủ thông tin của người dân?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) về việc các đối tượng lừa đảo có đầy đủ thông tin của người dân, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có hai nhóm nguyên nhân.

Thứ nhất là về kỹ thuật, một số tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân chưa đảm bảo an toàn, dễ bị tin tặc (hacker) tấn công, lấy cắp dữ liệu. Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Công an, trên “chợ đen” mua bán dữ liệu cá nhân, có đến 1300GB dữ liệu cá nhân Việt Nam, quy ra hàng tỷ thông tin được rao bán.

Thứ hai là nguyên nhân phi kỹ thuật, theo đó, người dân hiện đang dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân và chưa coi đây là tài sản cá nhân phải bảo vệ. Cùng với đó, có một số doanh nghiệp quản lý nội bộ kém, để cho nhân viên dữ liệu lấy thông tin của doanh nghiệp bán ra bên ngoài.

Bộ TT-TT đã có một số hoạt động siết chặt, kiểm soát vấn đề này, như ban hành Bộ cẩm nang về an toàn thông tin, trong đó có một nội dung rất quan trọng là cách thức để người dân bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình; đồng thời Bộ cũng xây dựng một cơ sở dữ liệu về lộ, lọt thông tin thông qua các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, với 120 triệu thông tin có thể bị lộ, lọt. Người dân có thể tra cứu cơ sở dữ liệu này để biết được thông tin của mình có bị lộ, lọt không. Theo Bộ trưởng, đến nay đã có 1 triệu lượt người truy cập cơ sở dữ liệu này.

Về giải pháp ngăn chặn lừa đảo qua lộ, lọt thông tin cá nhân, Bộ TT-TT đang buộc các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận khách hàng, cần làm việc với nhà mạng để hiện tên, chứ không hiện số điện thoại. Bên cạnh đó, Bộ TT- TT phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin dữ liệu cá nhân, để răn đe, truyền thông rộng rãi, đồng thời tiến hành thanh tra các nhà mạng một cách toàn diện về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm nay và với các công ty bưu chính, mạng xã hội trong đầu năm sau. Bộ cũng đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ dữ liệu cá nhân để người dân, doanh nghiệp biết, tự bảo vệ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.

Xác thực điện tử trên cơ sở dữ liệu dân cư là dịch vụ có điều kiện

Giải trình về nội dung trong Nghị định định danh xác thực điện tử, doanh nghiệp được cấp phép dịch vụ xác thực điện tử trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) nêu, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi Chính phủ bàn về vấn đề này, cũng cân nhắc rất kỹ lưỡng, nhiều chiều và các Bộ chuyên ngành như Bộ TT-TT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp cũng đã đồng ý với phương pháp này, theo đề xuất của Bộ Công an.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Theo thông lệ, Bộ Công an sẽ trực tiếp cấp xác thực, nhưng khi để đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp thực hiện thì phải có điều kiện (theo quy định của Bộ Công an). Xác thực điện tử trên cơ sở dữ liệu dân cư là một phần nhỏ của tổng thị trường xác thực điện tử, do vậy vẫn đảm bảo tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường ở lĩnh vực xác thực điện tử nói chung.

Chia sẻ ý kiến của đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Định) về đề xuất ý tưởng mỗi người dân có một tài khoản đào tạo miễn phí trọn đời, trên nền tảng số dùng chung, một nền tảng là toàn dân dùng, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm, đây là đề xuất ý tưởng hay. Bộ trưởng khẳng định, hiện nay một số bộ, ngành tổ chức đã xây dựng nền tảng số dùng chung cho ngành của mình trong lĩnh vực của mình. Ví dụ, Bộ TT- TT đã xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến cho tất cả người dân, cho cán bộ, công chức nhưng chỉ xoay quanh nội dung là kỹ năng số cơ bản.

“Bộ Thông tin và Truyền thông xin phép được nghiên cứu ý tưởng này và sẽ sớm có đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến phục vụ cho việc học cả đời của người dân Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nêu các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề đại biểu nêu về cơ sở dữ liệu đất đai chậm triển khai.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn.

Giao biên chế phải căn cứ trên cơ sở định mức

Chất vấn Bộ trưởng Nội vụ, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cho biết, việc giao số lượng biên chế viên chức sự nghiệp của Bộ trong những năm qua đã làm cho nhiều địa phương không thể bố trí giáo viên theo đúng định mức vị trí việc làm theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non công lập. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều điểm trường, điểm lớp ở vùng biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu giáo viên, bố trí giáo viên không đúng vị trí việc làm. Năm 2022, Đắk Lắk thiếu khoảng 1.700 giáo viên và nhiều địa phương khác cũng gặp tình trạng tương tự như vậy. Đại biểu đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Nội vụ và giải pháp để giải quyết thực trạng này, đảm bảo nguyên tắc được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại hội nghị ngành giáo dục toàn quốc “ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên”.

Lý giải điều này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực chất, Bộ Nội vụ không có thẩm quyền giao biên chế viên chức hàng năm, mà chỉ thẩm định biên chế viên chức hàng năm; đề xuất tham mưu cho Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế viên chức, nhất là biên chế viên chức giáo dục, để đáp ứng được theo yêu cầu đó là có học sinh thì phải có giáo viên, nhưng cũng phải đảm bảo một cách hợp lý và theo định mức. Theo Bộ Nội vụ, định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo tới đây cũng phải có sự sửa đổi phù hợp.

“Ví dụ, năm học 2021 – 2022, chúng tôi xác định số lượng viên chức ngành giáo dục còn thiếu 65.980 người. Trên cơ sở định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra, chúng tôi báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để giao biên chế giáo dục cho giai đoạn 2022 – 2026. Trước mắt, chúng tôi đề nghị, việc giao biên chế phải căn cứ trên cơ sở định mức, còn nếu căn cứ theo từng điểm trường sẽ rất khó khăn. Thực sự mà nói, không bao giờ có thể chạy theo được việc này, cho nên chúng tôi rất mong muốn các địa phương cố gắng sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống trường liên cấp, dồn bớt các điểm trường lẻ”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Bộ trưởng cũng dẫn chứng, có nhiều tỉnh làm rất tốt, giảm tới 700 – 800 điểm trường, có những tỉnh giảm được 400 - 500 điểm trường để đưa con em đồng bào dân tộc về trung tâm học ở trường nội trú, trường bán trú. Qua đó, chất lượng được nâng lên và giảm được đầu mối, giảm biên chế, có tỉnh giảm hơn 1.000 biên chế giáo viên.

“Tới đây, trong việc tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền để xem xét về việc phân bổ số biên chế còn lại, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo để phân bổ tiếp số còn lại của biên chế đã được Bộ Chính trị giao cho giai đoạn 2022 – 2026”, Bộ trưởng Nội vụ cho hay.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, tổng số giáo viên thiếu tính từ nay đến năm 2026 là 107 ngàn và chỉ tiêu được duyệt là hơn 65 ngàn cho việc tuyển trong giai đoạn này. “Ngành giáo dục cũng rất cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ trong tình hình tinh giản biên chế mà vẫn bố trí được cho ngành hơn 65 ngàn chỉ tiêu. Đây cũng là một sự ưu ái rất lớn và vượt bậc”, Bộ trưởng bày tỏ.

B.T – TTXVN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xv-quyet-liet-bao-ve-du-lieu-thong-tin-ca-nhan-cua-cong-dan-post269086.html