Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Biểu quyết thông qua 3 luật và 1 nghị quyết

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 20-6, Quốc hội biểu quyết thông qua các luật gồm: Luật HTX (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và 1 nghị quyết.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QUOCHOI.VN

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QUOCHOI.VN

* Củng cố phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật HTX (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật HTX (sửa đổi). Kết quả có 472 đại biểu tham gia biểu quyết (tương đương 95,55%), trong đó có 466 đại biểu tán thành (94,33%), có 1 đại biểu không tán thành (0,2%), có 5 đại biểu không biểu quyết (1,01%).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Đường giao thông từ quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết. Kết quả, có 472 đại biểu tham gia biểu quyết (95,55%), trong đó có 471 đại biểu tán thành (95,34%), có 1 đại biểu không tán thành (0,2%).

Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự. Kết quả, có 475 đại biểu tham gia biểu quyết (96,15%), trong đó có 469 đại biểu tán thành (94,94%), có 3 đại biểu không tán thành (0,61%), có 3 đại biểu không biểu quyết (0,61%).

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ngày 20-6. Ảnh: KIM CHUNG

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ngày 20-6. Ảnh: KIM CHUNG

Tại hội trường Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ủy ban Quốc phòng và an ninh cho rằng, về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở mức độ bảo đảm còn rất hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ. Khi kiện toàn, tổ chức lại lực lượng, cần phải quan tâm hơn nữa thực hiện chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo hoạt động cho lực lượng nhằm động viên, khuyến khích, thu hút người dân tham gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ vào ngày 20-6. Ảnh: KIM CHUNG

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ vào ngày 20-6. Ảnh: KIM CHUNG

Vì vậy, Ủy ban Quốc phòng và an ninh đề nghị đánh giá kỹ, tính toán đủ mức kinh phí mà ngân sách nhà nước phải bảo đảm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; động viên, khuyến khích được người dân tham gia, phù hợp với khả năng chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước làm cơ sở để Quốc hội xem xét quyết định.

* Cần có quy hoạch chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 5. Ảnh: QUOCHOI.VN

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 5. Ảnh: QUOCHOI.VN

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Kết quả, có 465 đại biểu tham gia biểu quyết (94,13%), trong đó có 463 đại biểu tán thành (93,72%), có 2 đại biểu không biểu quyết (0,4%).

Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, 2 đại biểu tranh luận.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu tập trung thảo luận về: tên gọi và phạm vi điều chỉnh của luật; bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước; điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước; công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước; quy hoạch chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị có quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; gây mưa nhân tạo; đăng ký cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước…

Ngày mai 21-6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Thanh Hải (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/202306/ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xv-bieu-quyet-thong-qua-3-luat-va-1-nghi-quyet-3169357/