Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế- xã hội

Sáng 25/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về một số vấn đề liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Quảng trị và thành phố Cần Thơ.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Anh Tuấn

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Anh Tuấn

Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã tham gia thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Trong đó, đại biểu bày tỏ ấn tượng với kết quả GDP tăng trưởng 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,15%, các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm...

Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về các chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, đó là chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt có 24,76% (chỉ tiêu đề ra là 25,7- 25,8%). Đây là những chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng và điều đó cho thấy chất lượng nền kinh tế của chúng ta còn hạn chế.

Do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ cần có đánh giá kỹ hơn cả về nguyên nhân khách quan cũng như nguyên nhân chủ quan, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả, tập trung chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu này trong năm 2023 được tốt hơn.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng chất lượng thu ngân sách còn chứa đựng những yếu tố chưa thực sự bền vững, bởi phần lớn tăng thu nằm ở nguồn thu từ đấu giá giá trị quyền sử dụng đất. Đề nghị Chính phủ có những giải pháp quyết liệt để khắc phục và nâng cao chất lượng xây dựng dự toán cũng như cần phải xây dựng kịch bản tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững trong nguồn thu.

Đại biểu cũng đề nghị báo cáo cần phải đánh giá kỹ hơn về kết quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong việc tháo gỡ và khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở cơ sở; tháo gỡ vướng mắc trong việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế tại các bệnh viện; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn.

Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới, đại biểu cho rằng áp lực để tăng trưởng trong những tháng cuối năm rất lớn, vì vậy cần phải rà soát lại kịch bản tăng trưởng để có sự điều chỉnh. Trong đó, Chính phủ cần có những giải pháp phù hợp, đủ mạnh để kích thích tăng trưởng cũng như thu hút đầu tư và khơi thông các nguồn lực hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nới lỏng các chính sách tiền tệ, tài khóa và giảm lãi suất, giảm thuế cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe các Tờ trình, báo cáo về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham/d20230525174227410.htm