Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động khó khăn
Những bất cập trong triển khai giáo dục nghề nghiệp là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội diễn ra vào sáng 6-6.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận, quy hoạch mạng lưới đào tạo còn rất nhiều bất cập. Trong thời gian tới, Bộ sẽ quyết liệt hơn trong dự báo cung cầu để đào tạo nghề thực sự gắn với nhu cầu thị trường.
Tạo sự ủng hộ của phụ huynh và người học
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ những giải pháp, chính sách và thời gian thực hiện việc thu hút học sinh khá, giỏi vào giáo dục nghề nghiệp. “Bao giờ giáo dục nghề nghiệp mới là bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân, được học sinh lựa chọn, chứ không là sự lựa chọn sau cùng khi đã không thi đỗ vào lớp 10, vào đại học?”, đại biểu thẳng thắn nói.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, giáo dục nghề nghiệp là một bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chính phủ đã hoàn thiện toàn bộ cơ cấu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp; có sự liên thông giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Quốc hội đã thông qua 3 luật liên quan đến lĩnh vực này, gồm: Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề. Hiện, quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh vào học nghề. So với cách đây 5 năm, bình quân mỗi năm chỉ khoảng 500 nghìn học sinh, sinh viên, “cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt” - Bộ trưởng nói. “Hiện nay, quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn rất nhiều điều cần quan tâm. Quy mô chưa lớn. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn những vấn đề cần tiếp tục đổi mới và cải thiện. Hệ thống chính sách pháp luật, chế độ chính sách nhằm ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều",Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận.
Để đổi mới giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội. Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đối với học sinh, sinh viên khu vực đồng bào dân tộc thiểu số được học nghề miễn phí hoàn toàn; học nghề ra được ưu tiên tìm việc; số học sinh, sinh viên tiên tiến được đào tạo chất lượng cao miễn phí; giải pháp kết nối doanh nghiệp để tạo việc làm ngay sau khi ra trường (khoảng 85%)...
Về các giải pháp thu hút học sinh học nghề, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Quan trọng nhất là tạo sự ủng hộ của các bậc cha mẹ và bản thân người học là ra trường có việc làm, có thu nhập ổn định, có cuộc sống tương đối tốt; sau khi ra trường có nhu cầu và khả năng học lên được học liên thông. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội sẽ thiết kế chính sách cho sinh viên học nghề theo hướng này".
Giải pháp hỗ trợ lao động nữ ngoài 40 tuổi
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhấn mạnh, thực tế cắt giảm lao động của các doanh nghiệp cho thấy, cơ hội việc làm đối với lao động nữ ngoài 40 tuổi sau khi bị mất việc rất khó khăn, dẫn đến nguy cơ các đối tượng này phải rút bảo hiểm xã hội một lần, ảnh hưởng đến an sinh xã hội lâu dài. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu rõ giải pháp hỗ trợ đối tượng này trong thời gian tới?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, hầu hết lao động trong các ngành dệt may, giày da là lao động nữ, thậm chí có ngành nghề tới 80% là nữ. Đối tượng bị giãn việc, mất việc làm hầu hết rơi vào lao động nữ. Trong làn sóng hơn 3 triệu người trở về các địa phương vừa qua, phần đông là những người mẹ đem theo con. Vì vậy, về việc sa thải lao động nữ trên 40 tuổi, Bộ trưởng cho rằng, lao động phải đào tạo ngay từ sớm, chưa thất nghiệp. Qua tuổi 40, với ngành dệt may quả thật rất khó khăn với người lao động vì "mắt đã mờ, chân đã chậm, năng suất làm việc thấp".
Do đó, theo Bộ trưởng, phải có giải pháp chăm lo cho công nhân nữ lớn tuổi như tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, tạo việc làm ổn định, chăm lo hệ thống cơ sở phúc lợi xã hội thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học... Bên cạnh đó, chủ động đào tạo từ sớm, từ xa, hỗ trợ lao động nữ khi chuyển việc hoặc thất nghiệp. Địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm cho lao động nữ thích ứng với điều kiện mới.
Nguyên nhân chậm giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia
Chiều 6-6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Dân tộc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã trả lời chất vấn của các đại biểu về những khó khăn trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đất ở, đất canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu ý kiến: Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhưng sau ba năm triển khai chương trình vẫn rất chậm (về giải ngân); Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết tiến độ giải ngân của Chương trình mục tiêu quốc gia, nếu tính theo năm kế hoạch thì đến năm nay là chậm. Lý giải về sự chậm trễ, Bộ trưởng nói nguyên nhân chủ yếu là do những vướng mắc về thể chế. Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan trong 2 năm qua đã tập trung giải quyết gỡ vướng về thể chế, các văn bản hướng dẫn. “Đến thời điểm hiện nay, cơ bản các văn bản hướng dẫn của Chính phủ chỉ đạo các địa phương đã hoàn thành cơ bản, để cho các địa phương triển khai”.
Bộ trưởng cũng cho biết, còn một số ít văn bản chưa hoàn thiện, Ủy ban Dân tộc sẽ cùng với các bộ, ngành hoàn thiện nốt. Hiện nay, còn việc sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đang xin ý kiến các thành viên Chính phủ và 16 thành viên Chính phủ đã cho ý kiến xong. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẽ ban hành trước ngày 15-6.
Sau khi Nghị định 27 ban hành, Ủy ban Dân tộc sẽ sửa đổi và ban hành mới Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc: Hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I bắt đầu từ năm 2021-2025.
PHAN PHƯƠNG - ĐỖ BÌNH
Bố trí nhân lực cho ngành trí tuệ nhân tạo
Tiếp tục phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội, chiều 6-6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến nhân lực cho ngành trí tuệ nhân tạo và nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thích ứng sau đại dịch COVID-19, thế giới đang chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng mới là kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp và kinh tế tuần hoàn. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu phải tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ góc độ quan điểm, tư duy và chủ trương, chúng ta cần rà soát lại các vấn đề liên quan đến chính sách tăng trưởng xanh của đất nước cũng như các chính sách phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ… Các vấn đề này liên quan mật thiết đến phát triển nguồn nhân lực - một trong ba đột phá chiến lược được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định.
"Nguồn nhân lực là lực lượng chủ yếu, nguồn tài nguyên mới. Nhân tài chính là động lực mới cho phát triển", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Song song với đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, R&D (đầu tư vào nghiên cứu và phát triển) trong doanh nghiệp rất quan trọng đối với nền kinh tế. Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và đã dành cơ chế thành lập, vận hành các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, đến nay, năng suất lao động chưa đạt được tính bứt phá.
Theo đó, nhân sự trong khu vực doanh nghiệp phải là chủ yếu nhưng hiện chỉ chiếm 15% tổng số nhân lực R&D. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chiếm trên 50%, riêng châu Âu chiếm trên 56,3%.
Điều này cho thấy, chúng ta phải tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong nghiên cứu các kết nối có tính liên thông từ giáo dục phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Vấn đề này đòi hỏi sự kết nối, liên thông giữa nghiên cứu cơ bản với chuyển giao công nghệ và nghiên cứu triển khai. Trong đó, vấn đề đào tạo cần có sự phân bổ nguồn lực để tập trung đào tạo.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, hoạt động nghiên cứu đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain (cơ chế cơ sở dữ liệu tiên tiến cho phép chia sẻ thông tin minh bạch trong một mạng lưới kinh doanh), công nghệ liên quan đến dược sinh học, kết nối vạn vật, máy tính, lượng tử, nhưng công nghệ mới liên quan đến năng lượng tái tạo...
"Đây chính là tiềm năng để có thể tạo ra việc làm mới, những ngành nghề mới. Tuy nhiên, xuất phát điểm phải từ vấn đề liên quan đến con người, nguồn lực", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.