Kỳ họp thứ 5 sẽ xem xét, cho ý kiến 20 dự án luật và dự thảo nghị quyết
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến với tổng số 20 dự án luật và dự thảo nghị quyết, số lượng gấp đôi so với những kỳ họp bình thường.
Ngày 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 22 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình công tác, trong tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 2 phiên là phiên họp thường kỳ tháng 4/2023 và phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Dự kiến phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 22 sẽ được tổ chức trong 2 ngày với một số nhóm nội dung cơ bản.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Khóa này công tác lập pháp được tiến hành hệ thống, bài bản trên cơ sở Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong 137 nhiệm vụ lập pháp trong kế hoạch đã thực hiện xong 111 nhiệm vụ, với có 24 nhiệm vụ lập pháp đã được chuyển thành đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Nhiều nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát thì sẽ được tiếp tục đề xuất trong thời gian tới.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về về Báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề Việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid - 19 và việc thực hiện chính sách pháp về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đồng thời, cũng trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để trình với Quốc hội lựa chọn quyết định các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2024.
Nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch Quốc hội cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ tư và việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp thứ 5 là kỳ họp hết sức quan trọng, trọng tâm công tác lập pháp. Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến với tổng số 20 dự án luật và dự thảo nghị quyết, số lượng gấp đôi so với những kỳ họp bình thường.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong số những nội dung này có 6 dự án luật đã được Quốc hội đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư và vừa qua được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về cơ bản cũng đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá cao. Đặc biệt tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với các cơ quan liên quan về vấn đề tiến độ chuẩn bị và gửi hồ sơ các dự án.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2022, kết quả sơ bộ và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2023 và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Về nhóm vấn đề thứ ba, theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Cụ thể là xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; cho ý kiến về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; xem xét, quyết định phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đồng thời, theo thường lệ tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét công tác dân nguyện của Quốc hội tháng.