Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng

Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh đã thông qua 34 nghị quyết chuyên đề, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ của năm 2023 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Đường mới. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Đường mới. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh dành thời gian thảo luận, góp ý toàn diện đối với các nội dung trình kỳ họp; nhiều ý kiến xác đáng, phản ánh được thực tiễn địa phương, ý kiến, nguyện vọng cử tri, tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), công tác triển khai, quản lý, điều hành của các cơ quan chính quyền.

Chất vấn và trả lời chất vấn: Thẳng thắn, trách nhiệm, làm rõ vấn đề cử tri quan tâm

Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp đối với 2 nhóm vấn đề về quản lý giao thông vận tải và phòng, chống tệ nạn, tội phạm; đồng thời yêu cầu các đơn vị khác trả lời bằng văn bản những vấn đề, nội dung chất vấn do đại biểu đặt ra. Việc chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tập trung làm rõ được thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời xác định những giải pháp cơ bản để khắc phục.

Trong phiên chất vấn đối với Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình giao thông trọng điểm của tỉnh, cũng như công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng các công trình giao thông.

Đại biểu Phạm Mạnh Hiếu đặt vấn đề: “Hiện nay, trong triển khai thực hiện dự án hạ tầng giao thông, có một số dự án chậm tiến độ, thời gian thi công kéo dài, điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng như điều chỉnh dự án nhiều lần. Qua báo cáo chỉ ra một số nguyên nhân, theo Giám đốc Sở GTVT, đâu là nguyên nhân chính cho sự chậm tiến độ này, giải pháp thực hiện trong thời gian tới? Trong báo cáo cũng chỉ ra một nguyên nhân là thiếu hụt nguồn cung ứng nguyên vật liệu như đất san lấp, sỏi đỏ cho các dự án, phải đi lấy ở các tỉnh lân cận, chưa chủ động trong công tác nguyên vật liệu. Giải pháp sắp tới của ngành cũng như các sở, ban, ngành liên quan về quy hoạch, cấp phép, thăm dò và khai thác khoáng sản, trong đó có đất san lấp, sỏi đỏ nhằm đáp ứng các công trình trọng điểm để các dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt hiệu quả kinh tế?”.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải khảo sát tình hình tại cảng Thanh Phước

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải khảo sát tình hình tại cảng Thanh Phước

Ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở GTVT cho biết, trên địa bàn tỉnh đang triển khai đầu tư 14 dự án trọng điểm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và kêu gọi đầu tư, cụ thể:

Các dự án cao tốc, dự án Trung ương đầu tư có 4 dự án, trong đó có 2 dự án bảo đảm tiến độ là dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, giai đoạn 1 đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh (Hội đồng thẩm định cấp cơ sở đang tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án); dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Đối với dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, tiến độ dự án chậm so với kế hoạch phối hợp ký kết giữa UBND thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân: Thành phố Hồ Chí Minh khó khăn trong cân đối nguồn vốn ngân sách cho dự án.

Đối với dự án đường Tuần tra biên giới, đoạn đã đầu tư từ cửa khẩu Xa Mát đến Long An, dài 130km đã đầu tư xong năm 2020; tuy nhiên, chất lượng công trình không bảo đảm và chủ đầu tư, nhà thầu chậm khắc phục sửa chữa. Các đoạn còn lại dài 34,9km, dự kiến dự án khởi công cuối năm 2022, hoàn thành trong năm 2025.

Các dự án tỉnh đầu tư có 6 dự án, trong đó dự án nâng cấp, mở rộng ĐT.795 bảo đảm tiến độ (dự kiến hoàn thành quý III.2023), các dự án còn lại có chậm tiến độ, nhưng bảo đảm không vượt thời gian thực hiện theo quy định. Nguyên nhân được cho là công tác giải phóng mặt bằng chậm hơn so với kế hoạch đề ra, do nhân sự Trung tâm Phát triển quỹ đất các địa phương còn ít so với khối lượng công việc và một số hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, thời điểm 6 tháng đầu năm, giá nhiên liệu xăng dầu tăng mạnh dẫn đến giá các vật liệu xây dựng tăng theo, đặc biệt là giá nhựa đường và nguồn cung ứng rất hạn chế. Nguồn vật liệu (sỏi đỏ) trên địa bàn tỉnh chưa bảo đảm cung cấp cho các công trình, phải lấy từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước.

Cụ thể, tiến độ hoàn thành các dự án như sau: Các dự án xã hội hóa đang đầu tư có 4 dự án, trong đó: có 3 dự án bảo đảm tiến độ, gồm: Cảng thủy và cảng cạn Thanh Phước; cảng cạn Mộc Bài; cảng thủy nội địa Thành Thành Công. Riêng dự án Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng có tiến độ chậm, do thủ tục, hồ sơ chuyển đổi mục đích đất trồng lúa của dự án trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ phải chỉnh sửa, giải trình, bổ sung.

Ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở GTVT cho biết, UBND tỉnh đã có chỉ đạo về nguồn cung ứng đất san lấp; Sở Xây dựng phụ trách về quy hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm cấp phép khai thác. Hằng năm, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch sử dụng đất san lấp trên từng dự án, tuyến đường cụ thể, tuy nhiên, có 3 huyện, thị không có mỏ đất khai thác mà phải lấy đất ở nơi khác, làm tăng giá thành. Về giải phóng mặt bằng, thời gian trước, nhận thức về trình tự tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan còn chưa đồng đều, UBND tỉnh đã ban hành quyết định chấn chỉnh cụ thể từng khâu, trình tự công việc; chủ trì, phối hợp; trách nhiệm cụ thể, mốc thời gian thực hiện. Tỉnh ủy có Chỉ thị số 04 giao trách nhiệm cụ thể cho cấp ủy từng địa phương chỉ đạo trong việc triển khai các công trình dự án. Từ đó, công tác giải phóng mặt bằng đã có những chuyển biến tích cực.

Về giải pháp sắp tới, ông Nguyễn Tấn Tài cho biết: “Về nguồn cung ứng vật liệu, các sở, ngành chuyên môn sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cấp phép khai thác tương ứng với khối lượng, nhu cầu sử dụng ở từng công trình, từng địa phương, từng thời điểm. Về quản lý chất lượng chung, đối với các dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn hay dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự án này giao cho TP. Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp, trong đó, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đối với những công trình do tỉnh là chủ đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có quy chế giao trách nhiệm cho từng chủ thể, các sở, ngành thực hiện cụ thể từng khâu, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện dự án bảo đảm năng lực, chất lượng cũng như công tác quản lý vốn đầu tư, quản lý chất lượng công trình...”.

Cầu Tân Định 1 trên đường tuần tra biên giới (Ảnh: Ngọc Diêu)

Cầu Tân Định 1 trên đường tuần tra biên giới (Ảnh: Ngọc Diêu)

Sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống

Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song, với nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và tầng lớp nhân dân, sự kế thừa và phát triển các thành tựu qua các nhiệm kỳ, KT-XH của tỉnh đạt kết quả tích cực, toàn diện và có nhiều điểm sáng nổi bật, đó là lần đầu tiên sau nhiều năm, 100% chỉ tiêu cơ bản về KT-XH đạt và vượt Nghị quyết đề ra, trong đó có 9/9 chỉ tiêu về kinh tế vượt chỉ tiêu Nghị quyết.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cho biết, trong thời gian tới, dịch bệnh được kiểm soát tốt, các chính sách khôi phục, phát triển KT-XH được đẩy mạnh triển khai và phát huy tác dụng; hầu hết các ngành, lĩnh vực đều trên đà phục hồi. Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn còn nhiều tồn tại cần tập trung khắc phục; bên cạnh đó, môi trường kinh tế vĩ mô phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là áp lực về lạm phát, tỷ giá, chi phí sản xuất gia tăng… đặt ra những thách thức lớn trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết phát triển KT-XH năm 2023 và tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2020-2025, tỉnh cần phải nỗ lực, phấn đấu cao hơn, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà, trong đó, UBND tỉnh cần tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành, bám sát diễn biến tình hình KT-XH và biện pháp điều hành vĩ mô của Chính phủ, chủ động, kịp thời tổ chức triển khai thực hiện, phục vụ hiệu quả cho sự phát triển của địa phương...

Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh đã thông qua 34 nghị quyết chuyên đề, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ của năm 2023 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan tập trung chỉ đạo, nhanh chóng cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ và hiệu quả, sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống; đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh cùng các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giám sát việc thực hiện nghị quyết.

TRÚC LY

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-hop-thu-6-hdnd-tinh-dat-nhieu-ket-qua-quan-trong-a152529.html