Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 25/10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trong chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự thảo: Luật Căn cước, Luật Viễn thông (sửa đổi).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Vào đầu phiên họp buổi sáng, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn bằng hình thức bỏ phiếu kín. Có ba mức lấy phiếu tín nhiệm, gồm: Tín nhiệm cao - Tín nhiệm - Tín nhiệm thấp.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Theo đó, các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, cũng theo Nghị quyết 96, Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm với những người đã có thông báo chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

Do đó, trong số 49 người đang giữ các chức danh thuộc diện lấy phiếu, có 5 người được bầu, phê chuẩn không được lấy phiếu tín nhiệm lần này, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được Quốc hội công bố vào đầu giờ chiều. Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm được Quốc hội công bố, 5 người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là: đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với 448 phiếu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (437 phiếu), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (426 phiếu), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (414 phiếu), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (410 phiếu). Sau khi Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Cũng trong ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các cơ quan chủ trì thẩm tra cũng như cơ quan soạn thảo.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung dự thảo Luật qua tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo tiếp thu, giải trình. Nhiều vấn đề đã được các đại biểu đánh giá, phân tích và đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua như: thông tin trong thẻ căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, tính bảo mật của thông tin của công dân, thẩm quyền khai thác, thu thập thông tin của công dân, thẩm quyền cấp, cấp đổi, đổi thẻ căn cước, về giấy chứng nhận căn cước, tên gọi dự thảo, giải thích từ ngữ…

Vào cuối phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xv-lay-phieu-tin-nhiem-doi-voi/d20231025164435310.htm