Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Thảo luận tại tổ về 6 nội dung

Ngày 24-10, trong ngày làm việc thứ hai tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về các nội dung của Kỳ họp.

Các đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ thảo luận số 7. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ thảo luận số 7. Ảnh: TTXVN

Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia tổ thảo luận số 7 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Đắk Nông, Kon Tum, Long An. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, chủ trì tổ thảo luận.

Theo chương trình Kỳ họp, các đại biểu tiến hành thảo luận 6 nội dung liên quan đến các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Đóng góp ý kiến về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước; trong đó tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế đặc thù cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc liên quan đến hợp đồng nhà thầu trọn gói và chi phí tài chính.

Liên quan đến vấn đề phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc, đại biểu Đoàn Thị Hảo nhận định việc Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 vùng trong cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức thiết thực để có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp với từng vùng. Chính phủ, các bộ, ngành đã có chương trình hành động cụ thể để thực hiện các nghị quyết, gắn với các chương trình, dự án cụ thể ở từng lĩnh vực; các địa phương cũng rất tích cực triển khai các nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các chương trình, dự án vẫn chưa thực sự được như mong muốn...

Tham gia thảo luận, đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đánh giá: Những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu liên quan đến tài sản thế chấp khi tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng. Đại biểu dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba làm tài sản thế chấp, dẫn đến nhiều khó khăn, thậm chí là phát sinh khiếu kiện, tranh chấp khi xử lý các khoản nợ xấu. Do đó, đại biểu đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng tài sản thuộc sở hữu của bên thứ ba làm tài sản thế chấp, đồng thời có chế tài xử lý cụ thể đối với các khoản nợ xấu liên quan đến những tài sản thế chấp này.

Liên quan đến tình trạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đại biểu Lý Văn Huấn đề nghị cần có những quy định chặt chẽ liên quan đến định danh cá nhân, đăng ký tài khoản tại các tổ chức tín dụng để phòng tránh và xử lý tội phạm công nghệ cao, tội phạm chiếm đoạt tài sản từ việc sử dụng trái phép thông tin cá nhân, đặc biệt là thông tin khách hàng của các tổ chức tín dụng...

Về các chính sách hỗ trợ, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đánh giá: Các chính sách được ban hành rất kịp thời, tuy nhiên hiệu quả của một số chính sách còn hạn chế. Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát lại để làm rõ căn nguyên của tình trạng trên, từ đó có giải pháp phá bỏ rào cản, thúc đẩy kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển.

Liên quan đến phát triển hệ thống giao thông, đại biểu Hoàng Anh Công nhận định hệ thống giao thông của Việt Nam đang có sự mất cân đối (92% là đường bộ). Do đó, Chính phủ cần khẩn trương điều chỉnh lại cơ cấu giao thông, sớm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc và phát triển giao thông đường thủy để giảm tải cho hệ thống đường bộ, từ đó giảm chi phí vận tải, tăng lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202310/ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-tai-to-ve-6-noi-dung-1090bdf/