Kỳ họp thứ 8: Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua 25 dự án luật

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thống nhất Kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc vào 21/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/11 (tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 từ 21/10 - 13/11; đợt 2 từ 20/11 - 30/11/2024), tổng thời gian làm việc là 28,5 ngày.

Chính phủ sẽ trình 81 hồ sơ, tài liệu, báo cáo

Ngày 15/10 tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đồng chủ trì Hội nghị giữa Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo về 3 dự án luật: Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV...

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc hội.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc hội.

Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ thảo luận để thống nhất một số nội dung, chương trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cùng với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, trong 9 tháng qua, chính trị - xã hội đất nước ta ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường, an ninh trật tự được bảo đảm, đối ngoại và hội nhập được đẩy mạnh, nhất là kinh tế đối ngoại đạt nhiều kết quả, thu hút FDI trên 25 tỷ USD và đặc biệt là giải ngân vốn FDI trên 17 tỷ USD.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc hội.

Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tiếp tục nỗ lực, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Ngay sau Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Chính phủ đã bắt tay vào việc chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ 8, riêng Thủ tướng đã ban hành 15 văn bản phân công, đôn đốc với tinh thần 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.

Tại Kỳ họp thứ 8, công việc rất nặng nề, dự kiến Chính phủ sẽ trình 81 hồ sơ, tài liệu, báo cáo, trong đó có 25 dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt...

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật

Qua các báo cáo và ý kiến tại hội nghị, phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thống nhất Kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc vào 21/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/11 (tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 từ 21/10 - 13/11; đợt 2 từ 20/11 - 30/11/2024), tổng thời gian làm việc là 28,5 ngày.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Kỳ họp thứ 8 sẽ quán triệt tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

Theo đó, kịp thời cụ thể hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Pháp luật phải xuất phát và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quốc hội.

Đồng thời, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc thông tư, nghị định, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội phải lấy chất lượng làm chính, khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có “tuổi thọ” cao...

Sau hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng Đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ có thông báo kết luận chung để thực hiện; các báo cáo tiếp thu, giải trình các dự án luật, Nghị quyết do Phó Thủ tướng Chính phủ ký hoặc phải ủy quyền cho Bộ trưởng ký; các thành viên Đảng Đoàn Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất, Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý, Chính phủ cần chỉ đạo chặt chẽ hơn các cơ quan soạn thảo trong việc hoàn thiện các nội dung, nhất là với các nội dung đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp...

"Tinh thần là những việc gì chưa rõ, chưa thống nhất, còn có ý kiến khác nhau, thì cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải tiếp tục ngồi với nhau, cần thiết thì Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Quốc hội cùng xem xét, cho ý kiến để đi đến thống nhất phương án", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ky-hop-thu-8-chinh-phu-trinh-quoc-hoi-xem-xet-cho-y-kien-thong-qua-25-du-an-luat-179174.html