Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại Tổ về một số dự án Luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 8/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về hai dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất (sửa đổi) và cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ số 12.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ số 12.

Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì thảo luận Tổ. Cùng tham gia thảo luận Tổ, về phía Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình có các đại biểu: Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.

Phát biểu điều hành thảo luận tại Tổ, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao đổi làm rõ hơn các nội dung về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; trong đó khẳng định: Đây là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ thực tiễn tình hình, trước những áp lực ngày càng gia tăng của tình hình ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước đe dọa trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy vào cuộc sống; góp phần bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng môi trường ổn định, an toàn, lành mạnh.

Góp ý về các nội dung cụ thể về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị rà soát kỹ mục tiêu, đối tượng, tránh trùng lặp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác đang triển khai. Đồng thời đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng hơn các nội dung tiểu dự án và phân công rõ trách nhiệm của các tiểu dự án thành phần để đảm bảo tính hiệu quả, nâng cao quản trị phối hợp giữa các cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện. Đề nghị cần quan tâm thích đáng cho việc phân bố và phân cấp một cách triệt để cho hoạt động phòng, chống ma túy ở cơ sở trong địa bàn trọng điểm.

Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham gia điều hành phiên thảo luận tổ.

Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham gia điều hành phiên thảo luận tổ.

Đồng tình với quy định áp dụng cơ chế đặc thù trong chương trình, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể khi xây dựng cơ chế đặc thù thì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Đồng thời đề nghị làm rõ việc bố trí nguồn vốn để khởi động chương trình từ năm 2025 cũng như cần làm rõ việc đảm bảo nguồn đối ứng của các địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025-2030, bảo đảm hiệu quả.

Phát biểu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải nhận diện và tiếp tục làm rõ hành vi và các hoạt động quảng cáo ở tất cả các lĩnh vực để quản lý. Đồng chí cũng cho ý kiến cụ thể về quản lý hoạt động quảng cáo trên không gian mạng; vấn đề phân cấp quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý về quảng cáo.

Cho ý kiến về Luật Hóa chất (sửa đổi), đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ một số quy định về chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt hỗ trợ. Cần có quy định rõ hơn để nhận diện đối với một số hóa chất nguy hiểm. Đặc biệt, đối với quy định về kế hoạch phòng ngừa ứng phó với sự cố hóa chất nguy hiểm, đề nghị cần quy định cụ thể những đơn vị không thực hiện kế hoạch, khi để xảy ra sự cố hóa chất nguy hiểm thì phải chịu trách nhiệm hình sự, có như vậy mới bảo đảm tính nghiêm minh và răn đe của pháp luật.

Cùng tham gia thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí cao sự cần thiết trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình nhằm tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy, giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

Nhất trí với tên gọi, thời gian triển khai thực hiện chương trình và cơ bản nhất trí với 3 mục tiêu cụ thể mà chương trình đề ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá tính hợp lý, khả thi của các chỉ tiêu như: 100% điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ ma túy được phát hiện, triệt phá; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện ma túy hằng năm dưới 1%; trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện được hỗ trợ can thiệp về y tế, tâm lý… Theo đại biểu, đây là những chỉ tiêu đề ra cao, cần tiếp tục rà soát lại, bảo đảm tính khả thi.

Cơ bản tán thành với nội dung của các dự án thành phần của chương trình, tuy nhiên đối với tiểu dự án 4 của dự án 7, đại biểu cho rằng nội dung này đang hướng đến đối tượng thụ hưởng là người lao động tại các khu công nghiệp mà chưa đề cập đến lao động có việc làm không ổn định, thu nhập thấp, thường sống tập trung tại một số khu vực có điều kiện sinh hoạt không được đảm bảo, những đối tượng này dễ bị lợi dụng lôi kéo và dụ dỗ sa vào các tệ nạn xã hội. Do vậy rất cần có sự hỗ trợ truyền thông giáo dục về phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam, trong dự thảo chưa đề cập đến sự tham gia của các tổ chức khác cũng như vai trò trách nhiệm của gia đình trong phổ biến, giáo dục về phòng, chống ma túy. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát lại những vấn đề này, đảm bảo phù hợp và toàn diện, khả thi.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ phương án bố trí vốn cũng như tập trung đầu tư phù hợp với việc xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở cai nghiện theo chuẩn để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

Để huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chương trình, cần bổ sung nhiệm vụ thực hiện cho các tổ chức chính trị-xã hội, trong đó quan tâm phát huy vai trò và bổ sung kinh phí cho Ủy ban MTTQ Việt Nam, các cấp Hội LHPN Việt Nam…

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cân nhắc để bổ sung vai trò của Bộ Công Thương trong công tác quản lý thị trường đối với mặt hàng về thuốc lá, thuốc lá điện tử - những mặt hàng có thể liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma túy.

Tham gia ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành sửa đổi luật. Tuy nhiên, đề nghị rà soát lại một số văn bản pháp luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Đối với nội dung quy định quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt, đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, đó là giao cho Chính phủ quy định. Vì đây là những sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt mang tính kỹ thuật chuyên ngành có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người và có thể biến động theo từng thời kỳ, hơn nữa sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và việc quảng cáo các sản phẩm này đã được các luật chuyên ngành quy định.

Về nội dung quy định quảng cáo trên báo in, đại biểu tán thành với việc tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính nhưng cũng đồng thời đảm bảo vai trò quản lý Nhà nước.

* Trước đó, Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu.

Theo đó, các đại biểu Quốc hội thống nhất cho rằng, việc xây dựng Luật Dữ liệu là rất quan trọng, cần thiết để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Dự án luật được xây dựng dựa trên quan điểm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và làm rõ nguồn lực, danh mục chi, tính hiệu quả, nguyên tắc trong tổ chức hoạt động của Quỹ. Đồng thời đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết, đúng với tính chất Quỹ hỗ trợ phát triển và không trùng danh mục chi của ngân sách nhà nước.

Mai Lan - Thanh Thủy

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thao-367575.htm