Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh: Nhiều ý kiến chất vấn về tiến độ thực hiện dự án đầu tư
Sáng 11-12, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.
Quyết liệt khắc phục chậm tiến độ dự án
Trả lời câu hỏi của ông Bùi Văn Khước, đại biểu HĐND tỉnh khu vực TP Bắc Giang về giải pháp để thực hiện hiệu quả thu hút nhà đầu tư có tiềm lực mạnh nhưng hạn chế việc chạy theo, phá vỡ quy hoạch và phải khắc phục hậu quả khi nhà đầu tư rút khỏi dự án, ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã chấp thuận cho 5 doanh nghiệp (DN) khảo sát lập 10 dự án đầu tư, trong đó có 5 dự án đã quá hạn khảo sát nhưng nhà đầu tư chưa báo cáo phương án quy hoạch hoặc đề xuất chấp thuận.
Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô diện tích thực hiện dự án lớn, trong khi các quy hoạch liên quan của Nhà nước thường không đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chất lượng công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập nên nhiều trường hợp đã có quy hoạch, chấp thuận cho phép khảo sát, lập dự án lại phải điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung.
Để thực hiện hiệu quả việc thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh nhưng hạn chế việc phá vỡ quy hoạch, Sở sẽ phối hợp với ngành liên quan xem xét thận trọng năng lực thực hiện dự án (cả năng lực tài chính và kinh nghiệm) của các nhà đầu tư trước khi chấp thuận cho phép khảo sát, đồng ý chủ trương thực hiện.
Một số đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời về giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án BT đang dở dang và định hướng việc thu hút đầu tư theo hình thức này trong thời gian tới.
Trả lời nội dung trên, ông Trịnh Hữu Thắng cho biết: Hiện nay, có 10 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh một số dự án được triển khai tốt thì tổng thể tiến độ thực hiện các dự án BT ở hầu hết các bước đều chậm so với kế hoạch. Quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; bồi thường, giải phóng mặt bằng; thanh quyết toán dự án.
Khắc phục những hạn chế, bất cập trên, ông Thắng cho biết, Sở sẽ phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp như: Nâng cao trách nhiệm và thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước đối với dự án BT; tập trung giải quyết sớm các thủ tục liên quan đến công tác thẩm định dự án, hướng dẫn các nhà đầu tư trong việc xây dựng quy chế lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm; tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng.
Kết luận nội dung này, đồng chí Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý nhà nước. Trước hết, phải quan tâm công tác quy hoạch, bảo đảm theo quy định của pháp luật. Khi điều chỉnh quy hoạch phải tính toán, cân đối, không chạy theo nhà đầu tư dẫn tới phá vỡ quy hoạch. Với tình trạng dự án BT chậm tiến độ, đồng chí đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có giải pháp quyết liệt hơn nữa, cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho các bên nếu gây thiệt hại, thất thoát ngân sách.
Quản lý xe đưa, đón công nhân; tái cơ cấu chăn nuôi
Trả lời câu hỏi chất vấn về giải pháp khắc phục tình trạng xe đưa, đón công nhân vi phạm Luật Giao thông đường bộ và kém chất lượng, ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 700 xe đưa đón công nhân đến các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp (DN) liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe; vận động các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đầu tư phương tiện hoặc ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải để đưa đón công nhân của đơn vị mình; cung cấp thông tin về khả năng, năng lực của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô có đủ điều kiện hoạt động, phương tiện bảo đảm chất lượng để các DN có nhu cầu hợp đồng đưa đón công nhân lựa chọn; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đưa đón công nhân.
Trả lời ý kiến của đại biểu về các biện pháp tái cơ cấu ngành chăn nuôi, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ; ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ngành, địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi mới ban hành và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Tập trung phát triển bền vững, ổn định 2 loại vật nuôi chủ lực của tỉnh là lợn và gà. Chuyển đổi 80% chăn nuôi lợn, gà theo hình thức chăn nuôi trang trại công nghiệp, bán công nghiệp an toàn sinh học. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 1.000 trang trại chăn nuôi; năm 2030 có khoảng 1.300 trang trại. Tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi tập trung theo chuỗi liên kết, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ.
Cùng đó, giám đốc các sở: Tài Nguyên và Môi trường, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm rõ vướng mắc trong khai thác mỏ đất, nhất là những nơi thuộc khu vực quốc phòng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng trả lời về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời; tiến độ xây dựng dự án nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lại Thanh Sơn, Lê Ánh Dương làm rõ thêm một số nội dung đại biểu chất vấn, trong đó xác định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh; các sở, ngành, địa phương thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý; đồng thời đề ra các giải pháp cho thời gian tới.
Tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu làm rõ thêm về kết quả thực hiện kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái nhấn mạnh 9 nhiệm vụ trọng tâm UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện như: Triển khai Nghị quyết số 813/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, bảo đảm đầy đủ điều kiện, các căn cứ pháp lý để đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2020 và Nghị quyết của HĐND tỉnh tại kỳ họp này về sáp nhập 121 thôn, tổ dân phố để hình thành 60 thôn, tổ dân phố; triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Luật Quy hoạch bảo đảm tầm nhìn chiến lược, dài hạn và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong năm 2020; phát triển kinh tế cả về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ các trường đào tạo nghề liên kết với doanh nghiệp; làm tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, bảo đảm duy trì ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, không để phát sinh những vấn đề nóng.
Đồng chí Dương Văn Thái đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục lãnh đạo, giám sát, ủng hộ, giúp đỡ; đồng thời phát động phong trào thi đua sôi nổi ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh, đưa tỉnh ngày càng phát triển.
Nhóm PV