Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội

Trong tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 9 (từ ngày 15 đến 19-6), Quốc hội thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Đầu tuần, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Đây là nội dung quan trọng đã được Quốc hội thảo luận trong cả ngày 13-6. Nội dung này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Trong tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 9 (từ ngày 15 đến 19-6), Quốc hội thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Đầu tuần, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Đây là nội dung quan trọng đã được Quốc hội thảo luận trong cả ngày 13-6. Nội dung này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã giải trình trước Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã giải trình trước Quốc hội.

Phát triển thị trường nội địa, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt

Nếu chúng ta phát triển được thị trường nội địa, kết nối 63 tỉnh, thành phố với nhau để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì nền kinh tế sẽ có sự phục hồi tốt- Đó là ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân (thành phố Hồ Chí Minh) bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào sáng 13-6. Ông Ngân cho rằng, đại dịch khiến kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ.

Cho rằng mục tiêu của năm 2020 nên là xây dựng tiền đề để phát triển mạnh trong năm 2021 và ưu tiên đầu tiên là phải giữ vững thành quả, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, đặt vấn đề bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết. Theo ý kiến của đại biểu, Chính phủ hiện nay không cần vội chạy theo tăng trưởng để phá vỡ thành quả từ những thành công trong những năm, những tháng vừa qua. Phải giữ cho được kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Đặc biệt, phải hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, giữ chân người lao động, không để doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm…

“Chúng ta phải làm tốt điều này để khi đại dịch Covid-19 qua đi thì cơ hội nắm bắt sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đến”, đại biểu Ngân nhấn mạnh.

HẠNH QUỲNH

Sẽ thông qua nhiều dự án luật

Trong tuần làm việc, Quốc hội sẽ thảo luận về các dự án: Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết: Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Quốc hội biểu quyết: Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Trong phiên bế mạc chiều 19-6 được phát thanh, truyền hình trực tiếp, Quốc hội biểu quyết: Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; Nghị quyết chung của kỳ họp...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Từng bước đưa giá thịt lợn xuống mức hợp lý

Chiều 13-6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giải trình trước Quốc hội một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như giá thịt lợn trên thị trường; tình hình sạt lở hạn hán tại nhiều vùng trên cả nước cũng như việc chi trả dịch vụ bảo vệ rừng.

Lý giải chi tiết về câu chuyện giá lợn cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc tới dịch tả lợn châu Phi. Đây là một dịch bệnh rất đặc biệt, hết sức nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn trên thế giới cũng như Việt Nam. Tháng 8-2018, dịch đã xảy ra lần đầu tiên tại Trung Quốc, sau 18 tháng dịch lan sang 33 nước. Tính đến tháng 12-2019, tổng đàn lợn của toàn thế giới đã bị giảm 12 %. Trung Quốc, quốc gia bị tổn thương nhất, giảm tới 53 %, kéo theo hệ lụy là khủng hoảng thực phẩm, đẩy giá thịt lợn lên cao. Trong quý I-2020, nước này phải nhập 1 triệu tấn thịt lợn.

Tại Việt Nam dịch tả lợn châu Phi khiến khoảng 6 triệu con lợn bị tiêu hủy, giảm 20 % tổng đàn. Đây chính là nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng biến động giá thịt lợn thời gian qua.

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã có chủ trương phát triển các nhóm thực phẩm khác như gà, thủy sản, trứng. Cuối năm 2019, nhóm thực phẩm này bù đắp được 760.000 tấn thực phẩm thiếu hụt do lợn bị dịch, do đó đã không xảy ra thiếu thực phẩm. Tuy nhiên, do mất 20 % tổng đàn lợn trên cả nước và việc phục hồi đàn cần có lộ trình, theo kế hoạch, đến quý IV-2020 tổng đàn lợn mới đạt 31 triệu con, bằng số lượng lợn trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đẩy nhanh quá trình khôi phục đàn lợn, tuy nhiên phải đảm bảo tái đàn bền vững, không tái đàn một cách bừa bãi, tránh nguy cơ dịch tả lợn châu Phi quay trở lại. Trong tái đàn cần chú ý tới các hộ nhỏ lẻ, trang trại. Điều này gặp khó khăn vì hiện nay giá con giống rất cao và lợn giống không sẵn. Để giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp yêu cầu 15 đơn vị chăn nuôi lớn không chỉ chăm lo con giống cho doanh nghiệp mình mà phải cung cấp con giống cho thị trường, đặc biệt là người chăn nuôi nhỏ lẻ. Đồng thời, hiện nay rất nhiều địa phương đã ra được các chính sách hỗ trợ người dân chăn nuôi lợn; thành phố Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ tới 4 triệu đồng/con giống; Nghệ An hỗ trợ 2 triệu đồng/con giống.

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị người tiêu dùng lựa chọn các thực phẩm đa dạng, không tập trung sử dụng thịt lợn: “Thịt gà rất tốt, cá tôm, trứng cũng vậy, đều của nông dân cả. Chúng ta san sẻ rổ thực phẩm ra, vừa bổ dưỡng tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực cho một ngành hàng nào”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề. Cho rằng cần có hướng kiểm soát, không để xảy ra chuyện trục lợi, không để tăng giá và từng bước đưa giá thịt lợn xuống mức hợp lý, Bộ trưởng nhận định, không thể kết luận giá thịt lợn sẽ giảm xuống bao nhiêu, nhưng cố gắng để cung cầu gặp nhau sớm và có mức giá phù hợp nhất.

QUỲNH NHƯ – THU PHƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_226386_ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xiv-tiep-tuc-thao-luan-o-hoi-truong-ve-kinh-te-xa-hoi.aspx