Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 16/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại hội trường.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí cao với việc cần thiết ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết này của Quốc hội mang sứ mệnh rất quan trọng, đặt ra yêu cầu phải làm sao bám thật sát tinh thần của Nghị quyết 68, thể chế hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài và hơn hết là phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, toàn diện, bảo đảm thật sự đột phá đối với toàn bộ các thành phần, đối tượng của nền kinh tế tư nhân nhưng cũng phải bảo đảm cần có sự phân tách, có cơ chế, chính sách rõ ràng, phù hợp, khả thi đối với từng nhóm đối tượng cụ thể (doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh).
Về tổng thể các nội dung của dự thảo Nghị quyết đã bám sát tinh thần của Nghị quyết số 68, đã đưa ra những cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm thúc đẩy các thành phần trong nền kinh tế tư nhân nói chung có bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách và nội dung cụ thể của cơ chế, chính sách chưa thể hiện được rõ tính chất “thực sự đột phá”, chưa bảo đảm đáp ứng mục tiêu đề ra là khơi thông nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, kích hoạt, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các cơ chế, chính sách chưa được bố trí cân đối, phù hợp và bao quát toàn bộ các nhóm đối tượng thuộc phạm vi thụ hưởng. Phần lớn các cơ chế, chính sách tập trung hướng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ; một số cơ chế, chính sách chưa rõ đối tượng áp dụng là áp dụng chung cho tất cả hay áp dụng với nhóm doanh nghiệp cụ thể nào. Một số nội dung quy định mang tính chất khẩu hiệu mà chưa có mối liên hệ, cụ thể hóa tại cơ chế, chính sách nào cụ thể trong dự thảo Nghị quyết.
Theo đại biểu, một trong những vướng mắc, khó khăn lớn mà các doanh nghiệp gặp phải là vướng mắc về thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” này được đề cập, tháo gỡ trong dự thảo Nghị quyết. Do vậy, đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, có sự phân tách và quy định cơ chế, chính sách một cách rõ ràng, mạch lạc, khả thi, phù hợp, hiệu quả và “thực sự đột phá”, thực chất đối với từng nhóm đối tượng xét trong tổng thể cơ chế, chính sách chung.
Cũng theo đại biểu, có 3 chủ thể quan trọng của nền kinh tế tư nhân cần có những cơ chế, chính sách riêng, đặc thù, phù hợp với tính chất, quy mô và yêu cầu, mục tiêu phát triển, đó là: doanh nghiệp lớn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Hiện nay, trong phạm vi lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các chính sách còn rất chung chung, không rõ ràng và cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết. Đề nghị cần phải nghiên cứu, bổ sung thêm các cơ chế, chính sách cụ thể và thực chất hơn nữa dành cho nhóm đối tượng này, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, nguyên tắc áp dụng riêng, có định hướng, chiến lược phát triển rõ ràng, cụ thể hơn để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lớn tiếp tục phát triển, đồng thời cũng là tiền đề để thúc đẩy, dẫn dắt các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực phát triển theo.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đề nghị rà soát thêm để bảo đảm tính khả thi, hỗ trợ “thực chất” và “đột phá”, rất cụ thể của các cơ chế, chính sách, sát với các yêu cầu, mong muốn của nhóm doanh nghiệp này.
Đồng thời, cần quan tâm lưu ý, các cơ chế, chính sách đưa ra phải có sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau giữa các nhóm đối tượng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể để vừa bảo đảm từng thành phần, chủ thể độc lập phát triển theo định hướng, vừa hỗ trợ, dẫn dắt nhau trong sự phát triển chung, tổng thể.
Cũng trong chương trình buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.