Doanh nghiệp nhỏ vẫn chịu áp lực tài chính

Không ít doanh nghiệp nhỏ vẫn chịu áp lực và gánh nặng tài chính, bên cạnh thành công của các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản trong quý I/2025.

Kết quả kinh doanh quý I/2025 của một doanh nghiệp cho thấy những điểm tích cực với việc lợi nhuận tăng tới gần 200%. Tuy nhiên, với doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ hơn, kết quả lại không được như vậy với giá trị lợi nhuận sụt giảm 30%, cho thấy sự phân hóa lớn về lợi nhuận trong quý vừa qua.

Anh Nguyễn Đình Thuận - Chuyên viên phân tích cao cấp chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán KBSV cho biết: “Sự phân hóa rõ nhất ở các doanh nghiệp có cơ cấu tài chính ổn định là sử dụng đòn bẩy thấp, quỹ đất sạch trong khi có nhiều dự án được mở bán trong tương lai. Vì họ duy trì được tốc độ bàn giao dự án nên có dòng tiền ổn định hơn những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy lớn và không có nhiều dự án mở bán trong tương lai".

Nhiều chuyên gia nhận định, lợi thế về quỹ đất, khả năng quay vòng vốn nhanh và tiếp cận được nhiều kênh huy động vốn giúp cá doanh nghiệp lớn duy trì được lợi nhuận ổn định, ngay cả trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.

Bà Trần Phương Thảo - Chuyên gia phân tích nhóm ngành BĐS - Công ty chứng khoán Bảo Việt cho biết: “Có ba yếu tố chính tác động đến lợi nhuận. Thứ nhất là số lượng sản phẩm bàn giao trong kỳ, thứ hai là lãi lỗ tài chính, thứ ba là chuyển nhượng dự án”.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest cho biết: “Hiện nay, cơ cấu để cấp vốn cho các doanh nghiệp bất động sản thì các ngân hàng làm rất chặt chẽ. Tuy nhiên với từng dự án một, từng doanh nghiệp một thì tôi cho là vẫn sẽ có những khó khăn vì không phải là doanh nghiệp nào cũng tự chủ được về tài chính, dòng tiền”.

Yếu tố pháp lý vẫn đang là rào cản lớn ảnh hưởng đến tính thanh khoản, dòng tiền của các doanh nghiệp khi các sản phẩm BĐS đưa ra thị trường chưa nhiều. Do đó, chính sách tiền tệ linh hoạt sẽ là chìa khóa tháo gỡ cho thị trường giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Duy Khánh - Founder Công ty tư vấn đầu tư FIG cho biết: "Quan trọng là chính sách tiền tệ của Việt Nam là chính sách nới lỏng, chúng ta thấy nguồn vốn BĐS không còn bị siết chặt như năm 2022 nữa. Dòng tiền bắt đầu di chuyển linh hoạt hơn từ đó các doanh nghiệp thấy thoải mái hơn khi tiếp cận nguồn vốn đầu tư".

Thị trường BĐS sẽ phát triển bền vững khi bức tranh kinh doanh được hài hòa và cân bằng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, với những thay đổi tích cực từ chính sách tiền tệ, cùng kỳ vọng cải thiện về mặt pháp lý, giai đoạn tới sẽ ghi nhận diễn biến tích cực hơn từ khối doanh nghiệp nhỏ.

Sơn Hải

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/doanh-nghiep-nho-van-chiu-ap-luc-tai-chinh-331074.htm