Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận ở tổ về một số dự án Luật
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, chiều 16/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

Các đại biểu dự thảo luận tại Tổ.
Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ 12 cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hưng Yên, Gia Lai và thành phố Đà Nẵng.
Góp ý thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tán thành việc cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội nhằm hoàn thiện thể chế góp phần thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại Tổ.
Việc khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội là cần thiết để bảo đảm phù hợp, thống nhất với các luật, nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành, bảo đảm đồng bộ để triển khai hiệu quả, thông suốt hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới. Góp ý vào một số nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định về thời gian phát biểu của đại biểu thảo luận tại hội trường lần đâùkhông quá 7 phút và tùy vào trường hợp cụ thể có thể linh hoạt để điều chỉnh thời gian sao cho phù hợp.
Để phát huy tính chủ động và trách nhiệm giải trình của cơ quan trình đối với các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định về kinh tế - xã hội, đồng thời, bảo đảm sự tương đồng với những đổi mới trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm của cơ quan trình và trình tự thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết, đại biểu thống nhất với sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 50 và Điều 51 của Nội quy kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định: cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với các nội dung về kinh tế - xã hội.
Nêu ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định chi tiết, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của cấp xã khi thực hiện chủ trương sắp xếp trong thời gian tới.